Kinh tế

Cần có cơ chế, chính sách thông thoáng để doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2012, dự báo của các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, do thâm hụt ngân sách và nợ công tăng quá mức. Tuy vậy, tỉnh ta vẫn phấn đấu thực hiện kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức 13%, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 6,5%, công nghiệp-xây dựng tăng 17,35%, dịch vụ tăng 15,3%.

Cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 38,21%; công nghiệp-xây dựng chiếm 33,33%; dịch vụ chiếm 28,46%; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đạt 8.144 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2011; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.712 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10.500 tỷ đồng, tăng 6,25%; thu ngân sách tăng 6,1% so với năm 2011 (3.400 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt từ 250 triệu USD-300 triệu USD.

Để đạt được kế hoạch nêu trên, làm tiền đề vững chắc phát triển cho giai đoạn tiếp theo, thiết nghĩ chúng ta cần phải thực hiện một số các giải pháp tích cực.

 

Hiện nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn (38,21%), vì vậy cần phải xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng mang tính chiến lược trong năm 2012 và kế hoạch 2012-2015, bởi ngành nông nghiệp vẫn chiếm gần 40% GDP của tỉnh (8.144 tỷ đồng/31.231 tỷ đồng). Trong đó, cần tập trung thâm canh nông nghiệp, tăng cường chế biến và tạo sự đột phá bằng việc đầu tư giống mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ công nghệ sinh học trong nông nghiệp để phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là nông-lâm-thủy sản, trong đó, cũng cần nghiên cứu bài toán cân đối chăn nuôi và trồng trọt trong từng giai đoạn cụ thể, trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Các nhà dự báo kinh tế trong nước và thế giới cho rằng năm 2012, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài việc khôi phục tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô còn có nhiệm vụ tái cấu trúc kinh tế. Đối với tỉnh ta, để ổn định nền kinh tế, cần phải tập trung nguồn vốn để hoàn thiện các khu-cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh và các cụm công nghiệp của các huyện, thị xã để sớm đưa vào hoạt động, thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư lớn trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đây cũng là một hướng tích cực góp phần tái cấu trúc kinh tế và là một giải pháp cụ thể nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu.

Để kiềm chế lạm phát, trong năm 2011, Chính phủ thực hiện chủ trương thắt chặt tiền tệ, khống chế trần lãi suất huy động và hạn mức tín dụng, hạn chế đối tượng được tiếp cận giao dịch tín dụng ngoại tệ… Tuy nhiên, nợ xấu của khối ngân hàng thương mại vẫn tăng cao, lên đến 76 ngàn tỷ đồng, chiếm 3,5% mức dư nợ (thời điểm tháng 10-2011), nguy cơ tạo hiện tượng đổ vỡ đôminô trong thị trường tín dụng. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã lâm vào tình thế khó khăn dẫn đến phá sản.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đứng trên địa bàn của tỉnh vẫn ổn định sản xuất, giữ vững sự phát triển, do đã có nhiều nỗ lực để khai thông bế tắc bằng cách tranh thủ các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, các nguồn vốn từ các dự án nước ngoài, để triển khai, phát triển các dự án của mình. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh về mặt vĩ mô như việc quan hệ với các tổ chức tín dụng có uy tín và có nguồn lực thực sự, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các dự án. Đến thời điểm hiện nay, đây là một điểm tựa hết sức quan trọng cho các doanh nghiệp.

Gia Lai là tỉnh có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có, đó là: Hệ thống giao thông thuận tiện nối liền với các tỉnh lân cận trong nước và nước bạn Lào, Campuchia; có khí hậu phù hợp với các loại cây nhiệt đới; tài nguyên đất đỏ bazan dồi dào, thích hợp cho các loại cây trồng như: Cao su, cà phê, tiêu; có hệ thống sông ngòi phân bố rộng khắp, thích hợp cho việc tưới tiêu phục vụ cho canh tác nông nghiệp.

Đặc biệt có những sông lớn có nhiều tiềm năng để khai thác thủy điện và các ngành nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp. Với những lợi thế so sánh đó, tỉnh ta có tiềm năng lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực Bắc Tây Nguyên với những khu công nghiệp vừa và một số nhà máy có công suất lớn như: Xăm lốp ô tô, MDF, chế biến sản phẩm cà phê và một số nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tiêu dùng.

Tỉnh cần tạo sự thông thoáng thật sự về cơ chế, chính sách thích hợp cũng như triển khai tích cực các chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp phát triển.

Tiến sĩ Lê Đức Tánh
 

Có thể bạn quan tâm