Bạn đọc

Cần có nơi xử lý rác thải độc hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo lời ông Trương Công Ích (trú đường Đống Đa, phường Ia Kring, TP. Pleiku), nhân một đêm tối trời, chẳng biết ai đó mang một chiếc ghế salon hỏng vứt trước nhà ông. Dù bực mình vì có “cục nợ” nằm chình ình trước nhà mình, gây chướng mắt song ông Ích vẫn mang vào vị trí gọn gàng, đợi công nhân vệ sinh đến dọn.

Rác thải trên đường Phan Đình Phùng (phường Yên Đổ). Ảnh: Ngọc Linh

“Nhiều buổi chiều, công nhân vệ sinh vẫn đều đặn đẩy xe qua nhưng họ chỉ lựa lấy những túi rác sinh hoạt, cái ghế hỏng kia thì bị chừa lại. Khi tôi đề nghị thì các chị lao công nói rằng, rác này rất khó “tiêu” nên không nhận. Tôi định mang cái ghế này đốt đi cho bõ tức nhưng rồi lại thôi bởi nếu làm vậy sẽ gây độc hại cho gia đình và những người xung quanh. Tôi chẳng biết giải quyết sao với cái của nợ này bởi không biết chỗ nào để vứt nó?”. Một người dân khác thì nói rằng, đời người có mấy khi xây, sửa nhà. Khi hoàn thành việc này thì nảy sinh vấn đề khó giải quyết đó là công nhân vệ sinh chẳng chịu nhận xà bần, họ bảo rằng loại rác này thì gia đình tự xử lý. Dân làm sao mà biết nơi nào được đổ rác thải hợp lệ. Nếu đổ bừa thì sẽ bị xử phạt, mà để trước nhà thì chướng tai gai mắt.

Chúng tôi đã dạo nhiều đường phố để kiểm chứng lời người dân thì thấy rằng đó là sự thật! Những loại rác như ghế nệm salon hỏng, trang thờ, xà bần, bình ắc quy, bóng đèn tuýp, kính vỡ… được dân vứt bừa bãi khắp nơi, kể cả những khu vực đông dân cư như đường: Nguyễn An Ninh, Đống Đa, Phan Đình Phùng, chợ Bà Định, Trần Văn Bình… Về vấn đề này, một lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai xác nhận, những gì dân phản ánh hoàn toàn đúng. Công ty chịu trách nhiệm thu rác thải sinh hoạt của dân, những loại rác như đã nêu thuộc rác thải độc hại, cồng kềnh… tuy nhiên, không vì thế mà đơn vị bỏ mặc, không thu gom. Cũng nên hiểu và thông cảm cho các chị lao công, trên thực tế, mỗi chiếc xe cút kít đều có sức chứa giới hạn, nếu bỏ cục rác lớn dạng này vào thì việc thu rác sinh hoạt của dân sẽ không kịp kế hoạch. Bên cạnh đó, xe cuốn ép của Công ty cũng không ép nổi loại rác này. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện thành phố chỉ có một bãi chôn hủy rác thải sinh hoạt ở xã Gào, chưa có nơi tập kết riêng cho loại rác thải độc hại. Do đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì đây là vấn đề nan giải. Dân vì bí nên cực chẳng đã phải đi đổ trộm, cơ quan chúng tôi là đơn vị kinh doanh nên không có chức năng xử phạt. Hiện, cứ vài ba ngày, chúng tôi lại cho người đi kiểm tra, phát hiện nhiều thì cho xe thu gom về xử lý chung với rác sinh hoạt. Công ty cũng đã có văn bản kiến nghị lên UBND TP. Pleiku đề nghị bố trí quỹ đất để làm khu xử lý loại rác thải này.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm