Pháp luật

Tin tức

Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thi hành án dân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau mỗi bản án, vấn đề thi hành án dân sự luôn được người dân đặc biệt quan tâm bởi đây là giai đoạn thể hiện tính công minh của luật pháp. Tuy nhiên, ngành Thi hành án (THA) đang gặp phải một thực trạng là những vụ án lớn, phức tạp, mức độ bồi thường dân sự lên đến con số bạc tỉ nhưng đến khi thi hành, giá trị tài sản của bên phải thi hành án không đáng là bao hoặc không còn! Tình trạng án tồn, án không có điều kiện thi hành luôn chiếm tỷ lệ cao…

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan Thi hành án Dân sự (THADS) luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía đương sự, từ trực tiếp đối mặt bằng cách chửi bới, đe dọa đến lợi dụng việc khiếu nại để hoãn THA hoặc dùng vũ lực cản trở việc THA khiến cơ quan chức năng phải phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong khi thi hành nhiệm vụ. Thậm chí, có trường hợp Cục THADS tỉnh Gia Lai phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng Cảnh sát Cơ động- Công an tỉnh để đảm bảo cho việc tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản, như vụ Lê Văn Hùng ở huyện Chư Pưh mới đây.

Tổ chức cưỡng chế thi hành án trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Theo thống kê của cơ quan THA, số án, vụ việc phải thi hành mỗi năm một tăng, không chỉ về số lượng mà mức độ, tính chất ngày càng phức tạp bởi liên quan đến nhiều đối tượng, giá trị tài sản bồi thường rất cao so với những năm trước đây- nhất là các vụ việc vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng đã xảy ra trong 2 năm gần đây trên địa bàn tỉnh. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã tìm cách tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức ngay khi có dấu hiệu vỡ nợ. Do đó, đến giai đoạn trả nợ, bồi thường, nhiều đối tượng đã không còn tài sản hoặc còn rất ít để thực hiện nghĩa vụ dân sự, khiến việc THA không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đơn cử như vụ án Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh, Nguyễn Thị Kim Chi buộc phải bồi thường cho Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh, Chi cục Thuế TP. Pleiku và Chi cục Thuế huyện Chư Sê gần 46 tỉ đồng. Án tuyên là vậy nhưng thực tế qua xác minh, kê biên đấu giá tài sản của bà Kim Chi, chỉ bồi thường cho 3 đơn vị trên được 4,5 tỉ đồng, còn 41,5 tỉ đồng không có điều kiện thi hành do đã hết tài sản để xử lý. Hiện nay, Cục THADS tỉnh chuẩn bị làm thủ tục trả đơn yêu cầu cho bên được THA. Riêng vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhụy “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”, Tòa tuyên buộc Nhụy phải bồi thường cho 32 người với tổng số tiền là 7,5 tỉ đồng. Thế nhưng thực tế chỉ thi hành được 385 triệu đồng, còn hơn 7 tỉ đồng không có điều kiện thi hành buộc cơ quan THA phải trả lại đơn yêu cầu.

Các vụ án liên quan đến cá nhân là vậy, còn trong vụ Công ty Công trình Giao thông 506, đơn vị này phải thi hành tổng cộng là 41 tỉ đồng nhưng thực tế đấu giá tài sản còn lại của Công ty chỉ thu được 16 tỉ đồng...

Trong năm 2010, Bộ Tư pháp đã giao chỉ tiêu cho Cục THADS tỉnh Gia Lai 85% về việc và 63% về tiền trên số vụ việc có điều kiện thi hành. Đây thực sự là bài toán khó cho công tác THA trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, bởi chỉ trong vài tháng đầu năm 2010, hàng loạt vụ vỡ nợ lớn đã xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku; số tiền dự phí khởi kiện nộp tại Cục THADS đã tăng gấp 10 lần so với năm 2009… Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc nâng cao hiệu quả của công tác THA trong thời gian tới, ông Cao Minh Hoàng Tùng- Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cho biết: “Để công tác THA đạt hiệu quả cao, cần có sự thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng. Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Điều tra cần có biện pháp phong tỏa nguồn tài sản, tang vật nhằm đảm bảo cho công tác THA sau này, hạn chế tình trạng đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật để tẩu tán tài sản”.

Sơn Thảo


Có thể bạn quan tâm