Trong nhiều năm qua, huyện Kbang (Gia Lai) được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện công tác bảo vệ rừng của tỉnh. Việc giữ rừng được các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ cùng người dân quản lý bảo vệ nên tình trạng xâm phạm rừng được hạn chế.
Kbang là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn của tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích hơn 134.184 ha (trong đó rừng sản xuất gần 72.611 ha, rừng phòng hộ 13.475 ha, rừng đặc dụng 48.098 ha). Liên tục nhiều năm liền, Kbang được đánh giá làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân. Nhiều vụ xâm phạm tài nguyên rừng mà các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hầu hết do người dân báo cáo.
Rừng Kông Ka King (huyện Kbang). Ảnh: D.D |
Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2010 đến nay, các chương trình trên đã không tiếp tục triển khai thực hiện nên công tác quản lý bảo vệ rừng của huyện lại đối mặt với không ít khó khăn. Tại Hội nghị trực báo thường kỳ tháng 7-2011, lãnh đạo các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp trên địa huyện cho rằng: Từ khi ngừng triển khai các chương trình này thì công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng gặp rất nhiều khó khăn; nhân dân-lực lượng hậu thuẫn vô cùng quan trọng của các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ rừng không còn tích cực trong tham gia bảo vệ rừng; thậm chí có những trường hợp bị bọn “lâm tặc” lợi dụng lôi kéo tham gia khai thác, vận chuyển gỗ thuê... Mất một lực lượng hỗ trợ đắc lực đã khiến cho bọn “lâm tặc” manh động hơn, chúng sẵn sàng chống trả lại khi bị phát hiện, như vụ lâm tặc tấn công anh Đinh Huỳnh Vương Lạc-nhân viên bảo vệ rừng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai trong lúc đang làm nhiệm vụ vào đêm 17-7 vừa qua, làm anh bị thương nặng và còn nhiều vụ việc “lâm tặc” đã đe dọa các lực lượng bảo vệ rừng đã xảy ra trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã phát hiện gần 30 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, trong đó đã xử lý 25 vụ, tịch thu trên 73 m3 gỗ các loại; thu giữ 1 xe ô tô độ chế, 50 xe máy, 6 cưa máy và thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 700 triệu đồng. |
Để rừng phát triển bền vững, người dân sống gần rừng có đời sống kinh tế ổn định lâu dài và ổn định trật tự xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn thì việc triển khai các chương trình giao khoán bảo vệ rừng cho người dân là chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả cao. Vì vậy, việc duy trì các chương trình như trên nên tiếp tục triển khai thực hiện.