Kinh tế

Cần lắm cây cầu vĩnh cửu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con suối Ia Ai chảy qua địa bàn xã Ia Ka (huyện Chư Pah) giúp người dân định cư ở 2 làng Mrông Ngó 3 và Mrông Ngó 4 chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng ngắn-dài ngày, cuộc sống của người dân sẽ đỡ vất vả hơn nếu có một cây cầu.
 

Cầu tạm do người dân tự đóng góp làm để đi rẫy. Ảnh: Quang Tấn

Suối Ia Ai rộng chứng 35 mét chia khu sản xuất và khu định cư của người dân 2 làng Mrông Ngó 3 và Mrông Ngó 4 thành 2 vùng riêng biệt. Giữa 2 bờ suối đã có một cầu tạm dầm thép chữ I, dài 15 mét, rộng 1 mét do nhân dân có đất ở khu sản xuất góp tiền và tự làm cầu. Đứng trên cây cầu tạm, chị Rơ Châm Choi, làng Mrông Ngó 3 hồi nhớ ngày chưa có cây cầu tạm này, muốn qua khu sản xuất người dân phải đi qua cầu treo, mặt cầu làm bằng mấy cây gỗ, mùa mưa không dám bước. Ngày ấy, mỗi khi cha, mẹ đi làm rẫy lỡ gặp cơn mưa to không thể vượt cầu để về, đành phải ở lại rẫy, các con bên này suối lo lắng không ngủ được. Muốn gặp người thân cho yên lòng phải chạy xe hơn 1 giờ đồng hồ theo trục đường về xã Ia Phí, rồi vòng qua vườn cao su mới đến được khu vực làm rẫy cha, mẹ đang ở.

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Choi được ông Rơ Châm Theo đi ngang qua dừng lại tiếp chuyện. Ông Theo ở làng Mrông Ngó 4, lớn tuổi, không đủ sức làm nông nữa nên 3 ha đất trồng cà phê bên kia suối Ia Ai giao lại cho con trông coi. Ông Theo kể: Ngày xưa, khu đất sản xuất tập trung chỉ trồng lúa, mì, giờ phần lớn diện tích đất đã được nông dân chuyển sang trồng cà phê, cao su tiểu điền vì 2 loại cây này cho thu nhập cao. Thế nhưng trước và sau khi làm cầu tạm, dù nông dân muốn bán nông sản tại địa điểm thu hoạch vẫn không được vì người mua không thể lội qua suối để mua. Vì vậy, thời điểm chưa có cầu tạm, phải vác từng bao qua suối rồi dùng xe chuyển về nhà. Khi có cầu tạm, mỗi chuyến vận chuyển bằng xe máy được 1-2 bao nên bây giờ người làng phải đổ công sức, chi phí vào rẫy, vườn nhiều gấp mấy lần so với các vùng sản xuất thuận lợi giao thông.

 

Để đáp ứng nguyện vọng của người dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4, huyện Chư Pah xác định quy mô cầu kết cấu bê tông cốt thép 3 nhịp 6,6 mét liên hợp tràn, tổng kinh phí dự kiến khoảng 1,8 tỷ đồng; song hiện tại huyện chưa có nguồn kinh phí để đầu tư nên việc xây cầu bắt qua suối Ia Ai mới dừng lại ở việc tổng hợp đưa vào kế hoạch đầu tư từ năm 2016 trở đi.

Tiếng động cơ của chiếc xe công nông gầm rú vượt qua ngầm suối Ia Ai mùa nước cạn phá vỡ không gian yên bình vốn có của làng, chợt nghĩ sao nông dân không thuê loại xe này vận chuyển nông phẩm từ khu sản xuất về nhà để tiết kiệm công sức và thời gian. Đem thắc mắc này hỏi anh Rơ Châm Nunh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ka, anh Nunh nói: Một xe công nông chỉ chở trên dưới 10 bao nông sản mới vượt được suối Ia Ai, còn chở nhiều hơn không qua được. Tiền vận chuyển 1 chuyến từ 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Nếu thuê xe chở hết sản lượng cà phê thu hoạch được về nhà, chi phí vận chuyển là không nhỏ. Vì vậy, nông dân có đất canh tác bên kia suối Ia Ai vẫn chọn giải pháp đổi xoay vòng đổi công trong thu hoạch, vận chuyển nông sản từ khu sản xuất về nhà để tiết giảm chi phí.

“Mình mong có một cây cầu kiên cố để thuận lợi đi lại, giảm bớt chi phí sản xuất”-ông Theo nói. Mong ước của ông Theo cũng là mong ước của gần 400 hộ dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 đang canh tác trên 200 ha cà phê, cao su tiểu điền, lúa nước... khu vực bên kia con suối Ia Ai. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka-bà Nguyễn Thị Từng, nếu điều ước có một cây cầu vĩnh cửu của người dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 thành hiện thực không chỉ tiết kiệm thời gian canh tác của dân, thúc đẩy sản xuất phát triển mà người dân còn tự nguyện góp tiền làm đường giao thông vào khu sản xuất, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới của xã.

Quang Văn-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm