Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đúng mức đến vấn đề không khí sạch, như ở Mỹ và Anh đều đã có bộ luật này từ cách đây gần 100 năm.
Sáng 12-11, gần như mọi người ra đường ở Hà Nội đều phải mang khẩu trang khi ô nhiễm không khí lên tới ngưỡng nguy hại; đường phố, đặc biệt khu nhà cao tầng có hiện tượng như "sương mù" đặc quánh - Ảnh: XUÂN LONG
Hôm 12-11, ô nhiễm không khí ở Hà Nội lại lập một "đỉnh" mới, sau nhiều "đỉnh" cũng rất đáng báo động trong tháng 9 và 10 vừa qua. Đây đúng là tình trạng báo động, rất cần phải có những biện pháp đúng mức, không thể xem thường được nữa.
Là bác sĩ y khoa, tôi xin nói một chút về chuyên môn liên quan loại bụi mịn PM 2.5, loại bụi mà chúng ta đang lo sợ và theo dõi thông qua các trạm quan trắc. Đây là loại bụi rất nguy hiểm, không dừng lại ở đường hô hấp trên mà vào phổi, thậm chí đi vào máu. Trong bụi này có nhiều thành phần độc hại, không chỉ gây bệnh lý dị ứng, hô hấp, mà có thể có các tác nhân gây ung thư.
Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đúng mức đến vấn đề không khí sạch, như ở Mỹ và Anh đều đã có bộ luật này từ cách đây gần 100 năm. Về động thái của các ngành và cơ quan chức năng, tôi nhận thấy cũng đã có làm, đã có những hoạt động cụ thể xung quanh vấn đề không khí sạch, nhưng chưa xứng với mức độ đáng quan ngại của vấn đề này, chỉ mới ở mức chuyển dịch thái độ và hành vi xung quanh vấn đề không khí.
Để chống ô nhiễm không khí, trong lúc đợi bộ luật về không khí sạch và có những chính sách lâu dài, bền vững về giảm thiểu ô nhiễm, tôi cho rằng có trên 10 việc cần làm ngay. Đó là quản lý bụi xây dựng, gồm có bụi ở công trình phá dỡ, vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường, công trình giao thông công cộng và xây dựng dang dở, đào đường rồi... để đó hoặc sau đào thì hàn vá lại kiểu chắp vá, quản lý khói từ đốt rơm rạ, đốt vật liệu phế thải và truyền thông cho người dân hiểu được cách ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo tôi, cơ quan chức năng nên cung cấp một kênh để thông báo tình trạng bụi không khí hằng ngày cho người dân và hướng dẫn người dân cách ứng phó. Ví dụ như gần đây có hướng dẫn nếu bụi không khí tăng cao thì không nên đi thể dục lúc sáng sớm nữa, nhưng thực tế nếu có những ngày sau mưa, hoặc nồng độ bụi giảm thì có thể đi thể dục buổi sáng như bình thường...
Đã có những thành phố/quốc gia từng gặp tình trạng bụi không khí tăng cao như Việt Nam, họ cũng đã có ứng phó hợp lý để giảm bụi. Và họ đã thành công. Bụi liên quan đến sức khỏe, nếu không có những biện pháp sớm và xứng tầm, cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt đỏ vì sức khỏe không có giá.
GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ - LAN ANH ghi (TTO)