(GLO)- 45 năm trôi qua nhưng trận đánh tại cứ điểm Chư Nghé (xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3).
Trận đánh hào hùng
Cứ điểm biên phòng Chư Nghé của Tiểu đoàn 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) đóng khá sâu trong vùng giải phóng huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krai, huyện Ia Grai), cách Pleiku hơn 40 km. Phía Tây Bắc căn cứ là các điểm cao 352, 327 dọc sông Pô Cô, cách đường vận chuyển chiến lược của ta 10 km. Cứ điểm Chư Nghé được xây dựng khá kiên cố trên một quả đồi hình củ lạc, chia thành hai khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào, được bao bọc bởi 9-14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mìn chống xe tăng dày đặc. Vì vậy, địch tự tin tuyên bố: “Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược, con cóc mọc râu thì Chư Nghé mới thất thủ”.
Trung tướng Khuất Duy Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.S |
Tháng 9-1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao Sư đoàn 320 đứng chân ở 2 huyện 4 và 5 mở đợt tiến công địch, mục tiêu là căn cứ Chư Nghé. Ngày 14-9-1973, Chỉ huy Sư đoàn 320 chính thức giao cho Trung đoàn 48 và các đơn vị tăng cường tiến công căn cứ Chư Nghé, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tiêu diệt địch lấn chiếm trên đường 19 và 14. Ngày 21-9-1973, xét thấy thời cơ đã chín muồi, Trung đoàn 48 lệnh cho các đơn vị chủ lực và du kích địa phương vào chiếm lĩnh trận địa.
13 giờ ngày 22-9-1973, Thiếu tá Trần Ngọc Chung-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 đã hạ lệnh tấn công. Sau hơn 3 giờ giao tranh ác liệt, đến 16 giờ 40 phút cùng ngày, Trung đoàn 48 đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Toàn bộ Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt gọn, thu 50 tấn đạn và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Chiến thắng Chư Nghé không những tiêu diệt một lượng lớn hỏa lực địch ngay tại trung tâm xuất phát hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, mà còn là đòn trừng trị đích đáng, là lời cảnh báo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại Hiệp định Paris. Chiến thắng này đã làm cho địch rối loạn trong việc mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng hành lang tiếp vận chiến lược lương thực của ta, tạo khí thế mới cho quân và dân tỉnh Gia Lai, mặt trận Tây Nguyên lập nên những chiến công mới.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày hiện vật của trận đánh Chư Nghé. Ảnh: N.S |
Tri ân người nằm lại
Ngày 15-6, đến tham dự Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé, những người lính năm nào dù tuổi cao sức yếu vẫn không ngại đường sá xa xôi để trở về chiến trường xưa với mong muốn thắp một nén nhang cho anh linh các đồng đội nằm lại mảnh đất này. Cùng sống, chiến đấu trong những năm kháng chiến với đồng đội, Đại tá Đào Xuân Sy đã chứng kiến bao đồng đội hy sinh. Dù mang nhiều thương tật do chiến tranh để lại nhưng ông vẫn cảm thấy may mắn vì mình còn được sống, được thấy đất nước, quê hương hòa bình, độc lập, đổi mới. “Những ai từng sống, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên mới hiểu hết được sự can trường, sức chịu đựng, sự hy sinh xương máu của người lính trong chiến trận. Chúng tôi rất buồn vì nhiều đồng đội của mình đã nằm xuống tại đây nhưng giờ vẫn chưa có bia tưởng niệm ghi công các liệt sĩ. Tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng khu tưởng niệm để ghi nhận xứng đáng những cống hiến của họ”-Đại tá Đào Xuân Sy chia sẻ.
Đồi Chư Nghé năm xưa nay được bao phủ bởi một màu xanh ngát của hàng trăm héc-ta cao su, hồ tiêu, cà phê. Một cuộc sống yên ả, thanh bình, trù phú đã bao phủ vùng đất một thời bị Mỹ ngụy dồn dân lập ấp. Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, mong muốn: “Chúng ta cần xây dựng một nhà bia để con cháu mai sau hiểu rõ hơn về chiến thắng oanh liệt của chiến sĩ, quân và dân các dân tộc nơi đây. Đến tháng 9-2018 là tròn 45 năm ngày chiến thắng cứ điểm Chư Nghé (22/9/1973 – 22/9/2018), tôi mong muốn tỉnh Gia Lai xem xét và công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Lan Vinh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Krai, cũng bày tỏ: “Sau Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé, Đảng bộ và chính quyền xã Ia Krái cũng như người dân nơi đây mong muốn các cấp thẩm quyền xem xét sớm xây dựng khu tưởng niệm để người dân có thể tham quan, tri ân và tưởng niệm những liệt sĩ đã kiên cường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Tại Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé, UBND huyện Ia Grai đã báo cáo Đề án quy hoạch xây dựng di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé với diện tích gần 2 ha, bao gồm các công trình: đài chiến thắng, lô cốt, công sự, hầm hào... Sau hội thảo, huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận di tích chiến thắng Chư Nghé thuộc làng Doch Ia Krot là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngọc Sang - Vũ Hùng