Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều thiết bị y tế chưa sử dụng đã bị nước lũ làm hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhiều thiết bị y tế chưa sử dụng đã bị nước lũ làm hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, tính đến cuối năm 2009, số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã trên toàn tỉnh là 35/222 xã, chiếm tỷ lệ 15,76%. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn.

Thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân ăn, ở hợp vệ sinh, ý thức hơn trong việc phòng-chống bệnh và rèn luyện thân thể thông qua các chương trình truyền thông giáo dục góp phần to lớn trong việc mang lại sức khỏe cho người dân được triển khai tại các tuyến y tế cơ sở. Trong năm 2009, các bệnh truyền nhiễm được kịp thời ngăn chặn, chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được thực hiện, công tác tập huấn phòng- chống suy dinh dưỡng cho trẻ được nhiều bà mẹ quan tâm, tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A, đạt trên 90%. Cùng với đó, nhiều hoạt động y tế khác được triển khai rộng rãi tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay cơ sở hạ tầng và trang-thiết bị của nhiều trạm y tế xã vẫn còn thiếu và chưa đạt yêu cầu so với quy định. Riêng đội ngũ cán bộ y tế xã tại tỉnh ta vẫn còn hạn chế về kỹ năng lập kế hoạch, nhiều trưởng trạm chưa được đào tạo về công tác quản lý… nên việc 30% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào cuối năm 2010 là điều đang được ngành Y tế đặc biệt quan tâm.

16 xã, phường của 5 huyện và thành phố vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã năm 2009 gồm: Trà Đa, Chư Hdrông, Yên Thế, Hội Thương, Thống Nhất của TP. Pleiku; Đak Pơ và Đức Cơ mỗi huyện 3 xã, 1 xã của huyện Ia Grai  và 4 xã còn lại chia đều cho hai huyện Đak Đoa và Kbang.

Ngành Y tế đã tích cực chủ động triển khai nhiều biện pháp, trong đó đã khảo sát thực trạng 74 trạm y tế xã. Kết quả cho thấy: Diện tích trung bình của trạm y tế là 108 m2 (chật nhất là Trạm Y tế xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) với diện tích 56 m2) và có đến 25 xã có trạm y tế có phạm vi dưới 90 m2. 43/74 trạm y tế có hệ thống nước, 55/74 trạm có nhà vệ sinh, 17/74 trạm có nhà ở cho cán bộ y tế và chỉ có 16% trạm y tế có vườn thuốc nam đang hoạt động. Riêng về trang- thiết bị chỉ có 20/74 trạm y tế (chiếm tỷ lệ 27%) có trang- thiết bị y tế chưa đưa vào sử dụng chủ yếu là các loại thiết bị về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, thiết bị chuyên khoa, dụng cụ tiệt trùng, xét nghiệm đơn giản và 37/74 trạm có túi y tế đã hỏng không sử dụng được.

Ông Phùng Xuân Quýnh-Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: Y tế tại tuyến xã gặp nhiều khó khăn. Cơn bão số 9 và 11 vừa qua càng làm cho hệ thống cơ sở y tế tại đây trở nên hỏng nát và có nhiều trạm bị tê liệt đến nay vẫn chưa hoạt động lại. Những yếu tố không mong muốn trên đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc phấn đấu đạt chỉ tiêu 30% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay.

Hiện nay, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đã triển khai kế hoạch khảo sát thực trạng và hoạt động của tất cả các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn ngay từ đầu năm theo kế hoạch và hướng dẫn của Sở Y tế. Đồng thời, việc lập đề án củng cố về nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị... cũng được chủ động quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Năm qua, toàn tỉnh có 20 xã đã được tiến hành thẩm định và có đến 16 trạm y tế xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của ngành Y tế, sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị ở từng địa phương thì việc hoàn thành chỉ tiêu 30% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm