Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) nhận định: Năm nay, thời tiết hanh khô sớm và khả năng lượng mưa thấp nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Trong đó, các cơ sở như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà chung cư, nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, kho xưởng, rừng… có nguy cơ cháy, nổ cao nhất.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 68 chợ; 283 nhà nghỉ, khách sạn; 384 nhà trọ; 395 cửa hàng xăng dầu; 217 điểm kinh doanh khí đốt cùng với hàng trăm cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh buôn bán các mặt hàng dễ cháy.
Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở chưa đảm bảo các quy định an toàn PCCC trong quá trình kinh doanh như: sắp xếp vật tư, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn; bố trí phương tiện, hàng hóa cản trở lối thoát nạn; hệ thống điện không đảm bảo... Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, kết hợp giữa công năng ở và kinh doanh nên rất khó kiểm soát về PCCC.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) khống chế đám cháy tại Nhà máy Xử lý rác thải Chư Sê. Ảnh: N.T |
Theo phân tích của lực lượng chức năng, thời gian qua, 80% số vụ cháy nổ xảy ra là do lỗi chủ quan, bất cẩn trong việc sử dụng lửa, nhiệt. Cụ thể, vào lúc 8 giờ ngày 28-1, ông Nguyễn Đức Hưng (làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) đốt rác trên rẫy đã khiến lửa cháy lan gây thiệt hại cây trồng của các hộ dân có nương rẫy gần đó. Vào lúc 14 giờ ngày 6-3 đã xảy ra vụ cháy tại bãi chứa rác thải trong khuôn viên của Nhà máy Xử lý rác thải Chư Sê thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển môi trường Viwaseen Phương Hướng. Hậu quả, vụ hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng.
Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 300 cơ sở kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn… Qua đó, đơn vị đã xử phạt 6 cơ sở với số tiền 17,5 triệu đồng vì không chấp hành các quy định trong công tác PCCC.
Chị Nguyễn Thị Phương-Tiểu thương buôn bán tại Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Chúng tôi luôn nêu cao cảnh giác, ý thức phòng-chống cháy nổ, bởi nguồn vốn của gia đình đều đầu tư vào các sạp hàng. Các tiểu thương buôn bán ở đây đều ký cam kết về PCCC, không thắp hương, trước khi đóng cửa sạp ra về đều phải kiểm tra nguồn điện, nhiệt. Nhờ ý thức được nâng cao nên mấy năm nay không xảy ra trường hợp cháy nổ nào”.
Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết thêm: Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, nguy cơ cháy, nổ rất cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh, người dân thực hiện biện pháp về PCCC.
Chính quyền các cấp cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác này; kịp thời chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh, yêu cầu chủ các cơ sở nâng cao nhận thức về PCCC; kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành quy định, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo quy định về PCCC.
“Đặc biệt, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, luôn tuân thủ các quy định về PCCC để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người”-Đại tá Minh nhấn mạnh.