Cảnh báo thuốc giả từ Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Quản lý dược phẩm TP Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa công bố 4 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn. Trước đó đã có 8 loại thuốc, thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn đăng quảng cáo lừa người tiêu dùng.

Không đạt tiêu chuẩn... vẫn cấp đăng ký

Theo Tân Hoa xã ngày 24-7, Cục Quản lý dược phẩm Bắc Kinh vừa tiến hành kiểm tra hàng loạt việc kinh doanh sản xuất thuốc và thực phẩm ở TP này và phát hiện 4 loại thuốc: viên nang Tu Nguyên do Công ty TNHH dược phẩm Hằng Nhất Bắc Kinh sản xuất (số cấp đăng ký G20050974) với chức năng hạ đường trong máu, nhưng hàm lượng chromium picolinate không đạt tiêu chuẩn.
Viên nang Coenzyme Q10 vitamin E nhãn hiệu Bối Hưng do Công ty TNHH dược phẩm Trường Hưng Quảng Đông sản xuất (số cấp đăng ký G20090422) với chức năng tăng cường khả năng miễn dịch, nhưng hàm lượng coenzyme Q10 không đạt tiêu chuẩn. Viên nang can-xi Vũ Lục (số cấp đăng ký G20060211) do Công ty TNHH thực nghiệm San Hồ TP Nam Xương và Công ty TNHH dược phẩm Âu Phúc Lai TP Nam Dương liên kết sản xuất, với chức năng bổ sung can-xi, kẽm, vitamin D, nhưng hàm lượng kẽm không đạt tiêu chuẩn. Viên vitamin kết hợp dinh dưỡng Vita nhãn hiệu Kim Duy Khang (số cấp đăng ký G20050206) do Công ty TNHH Lục Thế Kỷ TP Thâm Quyến sản xuất, với chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất, nhưng hàm lượng kẽm selenium, sắt không đạt tiêu chuẩn.

Viên nang Đông Trùng Hạ Thảo hiệu Trí Linh (Quảng Tây)
Trước đó, ngày 3-6 cục này đã phải yêu cầu thu hồi và ngưng sản xuất hai loại thuốc: thuốc bột bào tử hiệu Linh Chi Hiệp Hòa (số cấp đăng ký G20070306) và multi-amino acid hiệu Thanh Tố Mỹ Trung (số cấp đăng ký G20100217), do chất phụ gia kết dính được sử dụng trong 2 thuốc này bị liệt vào danh sách cấm dùng.

Quảng cáo sai sự thật và bán bất hợp pháp

Theo Nhật báo Bắc Kinh, Cục quản lý dược - thực phẩm quốc gia Trung Quốc vào ngày 8-7 đã công bố 8 loại thuốc và thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn bán rộng rãi và đăng quảng cáo sai sự thật. Cục này khuyến cáo dân chúng không nên bị mắc lừa. Đó là: thuốc viên bổ tim (Công ty dược Trường Thành Bắc Kinh), viên khai vị (Công ty dược Đại Đường Tây An), viên nang tan huyết khối não (Công ty dược Thiện Mỹ Thông Dụng Vân Nam), viên nang giãn cơ Tống Hươu, thuốc chống viêm xương khớp (Công ty dược Ô Lam Hào Nội Mông), viên tiêu độc Cách Sơn (Công ty dược Phi Vân Lĩnh Quý Châu), trà Tiền Liệt và viên nang Đông Trùng Hạ Thảo hiệu Trí Linh (Nhà máy dược Bình Nam Quảng Tây).

Cục này khuyến cáo rõ những sản phẩm trên không có tác dụng khoa học, không thể dùng để chữa bệnh, tuy nhiên tới nay chúng vẫn được bán tràn lan bất hợp pháp trên nhiều trang web bán hàng ở nước này. Ông Vương Tống Lâm - Trưởng ban kiểm tra thuộc cục này, thừa nhận có một số trang web như taobao.com, paipai.com... không có giấy phép bán hàng online, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh thuốc trái phép với hàng chục ngàn loại thuốc.

Chỉ riêng năm 2010, tổng số vụ thuốc giả được phanh phui ở nước này đã lên tới con số 90 với tổng trị giá hơn 332 triệu tệ (1062,4 tỉ VND). Trong đó đã xóa sổ 169 điểm làm thuốc giả, phạt và nhắc nhở 295 trang web đã quảng cáo thông tin sai cho các sản phẩm thuốc, đóng cửa 245 trang web bất hợp pháp.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm