TN - Đất & Người

Cánh chim đầu đàn của làng O Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng ba Tây Nguyên nắng như đổ lửa, chúng tôi ngược về làng O Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông để tìm gặp ông Rơ Mah Chun-Bí thư chi bộ, người được ví là “con chim đầu đàn” của làng O Ngol. Ông Chun tươi cười rót nước mời chúng tôi và kể về bản thân, về ngôi làng của mình.

…Trước đây, làng O Ngol nghèo lắm, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Những năm mất mùa, cả làng bị thiếu gạo. Nhìn thấy dân làng quay quắt trong cơn đói và trước hết lo cứu đói cho gia đình, Chun bắt tay làm kinh tế. Qua đi tham quan các nơi khác về, Chun thấy cây lúa nước cho hiệu quả và năng suất cao hơn lúa rẫy. Tuy nhiên để vận động người dân nghe theo thì thật là khó. “Ban đầu khi nghe tin bắt cây lúa rẫy xuống nước, trong làng phản ứng lắm.

 

Ảnh: Nguyễn Tú

Làng sợ bị Yang phạt vạ, thấy tôi ở đâu là họ trốn biệt”-ông Chun nói. Không nản chí, ông đi vận động những người già trong làng cùng làm theo mình. Đêm đến, sau khi xong công việc chính quyền, ông đến từng nhà giải thích cho người dân hiểu làm cây lúa nước sẽ cho hiệu quả hơn lúa rẫy, dân làng sẽ không lo cái đói, cái nghèo. Dần dà có nhiều người lớn tuổi trong làng đồng ý làm lúa nước.

Việc đầu tiên của Rơ Mah Chun là cùng với một số hộ dân xuống khu vực sình gần suối Ia Vê đào đất đắp mương dẫn nước và làm đất chuẩn bị gieo sạ. Thấy thế, một số người không tiếc lời chê bai, gièm pha. Người bảo “làm cây lúa nước tốn nhiều công sức hơn cây lúa rẫy”. Có người còn xấu miệng: “Chun bị con ma bắt, sinh bệnh rồi”… Bỏ ngoài tai mọi lời thị phi, ông làm chòi canh bên ruộng lúa và nằm canh, nướng củ mì, bắp ăn qua ngày; vợ ông thấy thế không kìm được lòng khóc suốt.

Không phụ công người chăm sóc, cuối vụ ấy mỗi sào cho gần 20 bao lúa. Những người từng phản đối đưa mắt nhìn nhau. Từ đó, không cần vận động, tự người dân đua nhau làm. Dân làng không còn lo cái đói, cái nghèo và họ quý trọng ông hơn. Ngày nay, 2 cánh đồng gần suối Ia Vê và suối Ia Glai có đến 50 ha lúa nước. Các hộ dân trong làng có của ăn, của để từ những cánh đồng lúa nước này.

Cuộc sống của dân làng ngày một khấm khá hơn nhưng làm sao để người dân đoàn kết với nhau, đặc biệt là những thế hệ trẻ không quên đi những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng là điều làm Rơ Mah Chun trăn trở. Ý tưởng thành lập đội cồng chiêng, đội bóng đá, đội bóng chuyền nảy sinh trong ông. Từ năm 2001 cho đến nay, đội bóng đá, bóng chuyền luôn giành những danh hiệu cao trong các giải phong trào của xã, huyện, tỉnh… Đặc biệt, đội cồng chiêng của làng vinh dự được tham gia biểu diễn tại Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất tại Gia Lai.

Đến nay, gia đình Rơ Mah Chun có điều kiện kinh tế khá nhất của làng. Bên cạnh 4 sào lúa nước, ông còn có 1 ha cà phê, 700 trụ tiêu, hàng năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Cả làng O Ngol có 89 hộ dân thì có 87 hộ có thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng. Dân làng O Ngol luôn có ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn vệ sinh cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều năm liền, chi bộ làng O Ngol đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Làng O Ngol 7 năm liền đạt danh hiệu “Làng văn hóa tiêu biểu”.

Bản thân ông Rơ Mah Chun nhiều năm liền được trao tặng huân chương, bằng khen, giấy khen,… Ông Nguyễn Trúc-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Vê nhận xét: Rơ Mah Chun là người nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, luôn đi đầu trong mọi phong trào, được nhân dân tin yêu. Ông đã góp công không nhỏ trong việc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa tại làng O Ngol.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm