(GLO)- Vài ngày gần đây, trên địa bàn TP. Pleiku rất nhiều khách hàng gọi điện đến Viễn thông Gia Lai để phản ánh việc họ đã đóng tiền cước điện thoại cố định nhưng tổng đài gọi đến thông báo họ còn đang nợ với số tiền lớn. Đáng chú ý là có trường hợp khách hàng phản ánh là họ còn bị hù dọa có liên quan đến đường dây mua bán ma túy ở tận TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu cung cấp số chứng minh nhân dân, kê khai tài sản… khiến cho họ càng thêm hoang mang, lo lắng.
Những “cú lừa” bất thành
Chị Phạm Thị Hoàng-số 365 Nguyễn Viết Xuân, tổ 11, phường Hội Phú, TP. Pleiku-phản ánh: Cách đây vài ngày, chị có nhận được cuộc điện thoại từ một nữ “nhân viên tổng đài” thông báo số tiền cước điện thoại cố định nhà chị còn nợ hơn 8 triệu đồng và yêu cầu chị nộp ngay số tiền đó trong vòng 1 giờ, nếu không điện thoại nhà chị sẽ bị cắt liên lạc.
Chị Hoàng tường thuật lại sự việc. Ảnh: Minh Triều |
Sau khi được hướng dẫn bấm phím 0 để “biết thêm chi tiết”, chị Hoàng gặp một nam “nhân viên tổng đài” khác thông báo là chị không những còn nợ tiền cước điện thoại hơn 8 triệu đồng mà còn nằm trong một dây mua bán ma túy lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, nam nhân viên này yêu cầu chị giữ máy và kết nối đến 1 người tự xưng là Công an Hình sự TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành điều tra vụ án nói trên, người này yêu cầu chị cung cấp một số thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, số tài khoản, yêu cầu chị kê khai số nữ trang, số tiền mặt hiện có trong nhà… Người này còn nói chị có số tiền lớn nằm trong tài khoản Ngân hàng Agribank, nhưng khi nghe chị Hoàng cho biết là gia đình chị rất nghèo không có tiền trong tài khoản nào hết thì người này lớn tiếng hù dọa.
Còn trường hợp của ông Phạm Ngọc Hải-số 501 Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku-cũng được một nữ “nhân viên tổng đài” thông báo nợ 8 triệu đồng tiền cước điện thoại và yêu cầu trả trong vòng 2 tiếng, nếu không sẽ bị cắt điện thoại. Ông Hải cho biết: Giọng nói cứ như được thu băng phát đi phát lại, ông hỏi thì không thấy trả lời, bực mình nên ông dập máy.
Ông Hải cho biết, tiền cước điện thoại ông vừa đóng cách đó mới 3 ngày, giờ lại nhận thông báo đang nợ nên ông đã gọi điện đến tổng đài của Viễn thông Gia Lai để kiểm tra lại thì được thông báo là số máy này đã được thanh toán tiền cước. Trường hợp của chị Phạm Thị Hoàng thì các đối tượng này yêu cầu chị giữ máy liên tục hàng tiếng đồng hồ để “tiến hành điều tra”, lúc đầu chị cũng có thiện chí phối hợp, cung cấp thông tin cá nhân của mình nhưng càng nghe thì chị càng thấy vô lý, bởi hàng tháng chị đóng tiền cước điện thoại, internet chưa đến 200.000 đồng nay bỗng dưng lại nợ trên 8 triệu đồng. “Mặc dù các đối tượng này cứ liên tục hù dọa tôi là có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rồi dọa niêm phong tài sản, truy tố trước pháp luật… nhưng tôi nghĩ mình không làm gì thì có bị điều tra cũng không sao”-chị Hoàng chia sẻ.
“Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại”
Ngoài những cá nhân trên thì có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng được các nhân viên tổng đài này “chiếu cố” gọi đến thông báo việc nợ tiền điện thoại như: Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Gia Lai, Cục Thi hành án tỉnh hay Doanh nghiệp tư nhân Thành Công (thôn Hàm Rồng, xã Chư Hdrông)… Ngay cả số điện thoại nhà của cán bộ, Công an hay nhân viên thu cước điện thoại thì các đối tượng này cũng không chừa.
Ảnh minh họa |
Theo chị Võ Thị Thu Hoa-tổ trưởng tổ thu cước, Trung tâm Viễn thông 1-VNPT Gia Lai, từ trưa 20-5, Viễn thông Gia Lai liên tục nhận được thông tin phản ánh của khách hàng khi nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại 01262354940 và số 01863194960 gọi đến số điện thoại bàn nhà họ thông báo nợ tiền cước điện thoại với số tiền “khủng” và yêu cầu họ nộp ngay số tiền này nếu không sẽ bị cắt liên lạc. Trong khi trước đó khách hàng đã thanh toán và số tiền cước họ sử dụng luôn ổn định, không có sự chênh lệch cao như vậy. Đáng chú ý là đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Gia Lai, các đối tượng này gọi đến tất cả các phòng ban của đơn vị này, nhưng cước phí một đằng còn các đối tượng này lại thông báo một nẻo…
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Viễn thông Gia Lai đã xác nhận lại từ phía khách hàng, đồng thời giải thích cho họ yên tâm là không có việc nợ cước như các cuộc điện thoại đã thông báo. Đây chỉ là một hình thức lừa đảo mới xuất hiện. “Chúng tôi đã nhắc với tất cả khách hàng, những thông tin liên quan đến vấn đề thanh toán cước, Viễn thông Gia Lai sẽ có nhân viên thu cước đến tận nhà. Và khi nhân viên đến thì họ sẽ cung cấp bảng chi tiết cước rồi kèm theo số điện thoại, số tài khoản liên quan, cung cấp hóa đơn cước khách hàng mới được thanh toán. Tuyệt đối không được thanh toán, chuyển khoản hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho những đối tượng này. Khách hàng nếu có gì vướng mắc thì nên liên hệ trực tiếp Viễn thông Gia Lai”-chị Hoa khuyến cáo.
Minh Triều