(GLO)- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số người thường lân la ở các bệnh viện, tìm mọi cách để tiếp xúc với bệnh nhân với mục đích lừa đảo. Những người này ăn mặc sang trọng, nói năng ra vẻ trí thức, đặc biệt, luôn thể hiện mình là chuyên gia y học rất am hiểu về bệnh lý mà bệnh nhân đang điều trị.
Hình thức lừa đảo của những người này là gạ gẫm, đánh vào tâm lý sợ bệnh viện, sợ chết và trình độ kém hiểu biết về y học của một số người có nhiều tiền nhưng mắc phải một số bệnh nan y để bán thuốc chữa bệnh. Mặc dù các trò lừa bịp này đã được các cơ quan truyền thông và ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn nghe theo lời đường mật của họ và cuối cùng tiền mất tật mang.
Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Thị L., nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) cho biết: Hôm chị nằm điều trị viêm họng tại một bệnh viện ở TP. Pleiku, có một người đàn bà rất lịch sự đến gặp chị, nói rất hay về bệnh lý viêm họng mà chị đang mắc phải và sau đó cho chị địa chỉ nếu cần thì đến đó lấy thuốc uống sẽ hết bệnh mà không cần phải đến bệnh viện. Chị L. từ chối thì bà ta quay sang một bệnh nhân khác lớn tuổi hơn nằm cùng phòng.
Cuối cùng, bà ta đã thuyết phục được bệnh nhân đồng ý rời bệnh viện để mua thuốc uống với giá trên 10 triệu đồng. Sau đó một thời gian, chị L. đến bệnh viện tái khám thì bệnh nhân nọ cho biết đã bị lừa.
Bác sĩ Trần Minh T. công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh-Gia Lai kể lại câu chuyện rất ngoạn mục. Cách đây mấy ngày, bác sĩ T. trực tiếp mổ cho một bệnh nhân có u ở chân, bệnh phẩm phải gởi đi xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh. Trong lúc chờ kết quả, một người đàn ông đến nói: “Chân anh hôm tôi mổ nay sao rồi? (thực ra anh này không mổ-P.V). Chân anh rất nguy hiểm nếu không giải quyết triệt để thì u phát tán lên não một thời gian sau sẽ chết. Muốn giải quyết triệt để thì bảo người nhà 12 giờ trưa nay mang 20 triệu đồng đến số 2 đường Lê Lai, TP. Pleiku gặp tôi, số điện thoại của tôi đây”.
Nghe bệnh nhân phản ánh sự việc, bác sĩ T. báo cáo với Ban Giám đốc Bệnh viện Hoàng Anh và Công an biết, bàn bạc sắp xếp cho bác sĩ T. với tư cách là người nhà bệnh nhân đi gặp người đàn ông đó. Qua điện thoại mãi đến 13 giờ thay vì 12 giờ như đã hẹn, người đàn ông này mới xuất hiện tại địa điểm trên và bảo bác sĩ T. đến quán cà phê Trung Nguyên mới mở ở ngã ba Diệp Kính để trao đổi công việc.
Tại đây, người đàn ông này tự quảng bá về mình và thuốc điều trị. Thuốc này đã được Bộ Y tế chứng nhận, anh ta nói rằng, tháng trước cũng có một người ở Bình Định bị bệnh này, đi Bệnh viện Quy Nhơn không khỏi, anh ta đã tư vấn nhưng do bệnh nhân này không mua thuốc để uống nên bệnh tình mỗi ngày một nặng thêm, đến khi bệnh quá nặng bệnh viện trả về thì mới đến hỏi thuốc nhưng thuốc không còn, sau đó người này đã chết. Anh ta bảo bác sĩ T. nếu muốn lấy thuốc thì liên hệ với một người tên Sơn ở Pleiku chuyên phân phối thuốc này và cho số điện thoại.
Vì ngồi tại quán cà phê gần đường quá ồn và người này rất tinh khôn nên bác sĩ T. không thể ghi âm được buổi nói chuyện nói trên.
Qua sự việc trên, chúng tôi nhận thấy rằng chiêu lừa đảo bán hàng thực phẩm chức năng không còn xảy ra riêng lẻ giữa người bán và người mua ngoài xã hội mà đã len lỏi vào tận bệnh viện. Rất cần sự cảnh giác của mọi người và sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Trung Anh