Pháp luật

Tin tức

Cảnh giác với nạn cướp, giật tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai quyết liệt và triệt phá thành công nhiều ổ, nhóm tội phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là với tội phạm cướp, cướp giật tài sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng nói là, chỉ vì sự chủ quan, nhiều người đã tự biến mình thành “con mồi” của tội phạm…  

Diễn biến phức tạp

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cướp và 11 vụ cướp giật tài sản. Theo nhận định của Cơ quan Điều tra, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về cơ bản không mới. Chúng thường sử dụng xe máy phân khối lớn, lòng vòng trên các tuyến đường, khi thấy người người dân sơ hở trong việc quản lý tài sản thì ra tay thực hiện hành vi. “Con mồi” mà chúng tập trung chú ý nhiều nhất là phụ nữ có đeo dây chuyền, túi xách, vừa điều khiển xe máy vừa nghe điện thoại trên những đoạn đường vắng người qua lại.

 

Đối tượng Phong tại Cơ quan Điều tra. Ảnh: L.A
Đối tượng Phong tại Cơ quan Điều tra. Ảnh: L.A

Điển hình như vụ việc xảy ra mới đây tại huyện Ia Grai. Trong khi đang đi chơi ở khu vực làng Yang (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), 2 đối tượng Rơ Châm Hrưnh (SN 1999) và Rơ Châm Đức (SN 1999, trú tại xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) nhìn thấy chị Lê Thanh Tâm (SN 1997, trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai) điều khiển xe máy đi một mình, trên người có đeo túi xách nên nảy sinh ý định cướp giật túi xách của chị Tâm để lấy tiền tiêu xài. Sau khi thống nhất phương án, Hrưnh điều khiển xe máy áp sát để Đức giật túi xách và làm chị Tâm ngã xuống đường rồi bỏ trốn. Dù bên trong túi xách chỉ có 1 điện thoại di động, 500 ngàn đồng tiền mặt, nhưng với thói quen và sự chủ quan của người dân như vụ việc trên, ngoài việc bị mất tài sản thì đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay, tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh đang trở nên phức tạp. Bọn tội phạm hoạt động không theo một quy luật nhất định, có những vụ án cướp tài sản phát sinh bột phát trong những trường hợp khó lường. Như trường hợp của nạn nhân Nguyễn Kim Hiền (SN 1994, trú tại phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Theo đó, vào trưa 14-2, đối tượng Nguyễn Duy Phong (SN 1998, trú tại xã Cửu An) cùng 4 người bạn (cùng trú tại xã Cửu An) tổ chức ăn nhậu tại nhà Phong, sau đó rủ nhau đi hát karaoke tại tổ 6, phường An Phú. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khi cả nhóm ra ngoài thanh toán tiền để về thì gặp nhóm bạn của Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Hiền cũng ra quầy tính tiền. Khi thấy Huy nhìn mình, Phong cho rằng Huy “nhìn đểu”, nên lao đến tát vào mặt Huy. Được mọi người can ngăn, Phong bỏ ra về, nhưng sau đó Phong đã quay trở lại quán karaoke để tìm đánh Huy. Đến nơi, thấy Huy điều khiển xe máy vừa ra khỏi quán, Phong đã nhào đến đạp ngã xe máy của Huy rồi dùng dao tự chế thủ sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người Huy. Sau khi Huy vùng dậy bỏ chạy, Phong quay lại nhìn thấy anh Hiền đang đứng gần đó, nên tiếp tục cầm dao đi về phía anh Hiền đe dọa cướp đi 500 ngàn đồng trong ví của nạn nhân.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Từ những vụ án cướp, cướp giật tài sản trong thời gian qua cho thấy, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người dân tộc thiểu số tham gia vào các vụ phạm pháp hình sự, đặc biệt là cướp, cướp giật tài sản ngày càng nhiều. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm 16,51% (71/430 vụ). Điển hình là vụ việc đấu tranh triệt phá nhóm 9 đối tượng người dân tộc thiểu số thực hiện 5 vụ cướp tại địa bàn các huyện: Chư Sê (2 vụ), Chư Prông (1 vụ), Ia Grai (2 vụ), gây thiệt hại 25,7 triệu đồng.

Trước tình trạng tội phạm cướp, cướp giật tài sản ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, lực lượng Công an đã tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và phần nào kiềm chế được loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, vì người dân thiếu cảnh giác nên các đối tượng cướp, cướp giật tài sản vẫn có cơ hội tiếp tục hoạt động với tính chất, hành vi phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh và nguy hiểm hơn. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là với phụ nữ và trẻ em; trước khi đi ngủ phải khóa cửa cẩn thận; khi ra đường không nên mang theo vàng bạc, tài sản giá trị trên người; không nên tham gia vào các vụ kích động, gây hiềm khích cá nhân... để các đối tượng không có điều kiện phạm tội. Trong trường hợp bị các đối tượng thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản, dù giá trị không lớn, nhưng người dân cần đến cơ quan Công an trình báo. Đây là cơ sở để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng sau này và cũng là thông tin để lực lượng chức năng khoanh vùng, triển khai phương án phục kích, vây bắt tội phạm cướp, cướp giật tài sản đạt hiệu quả.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm