Thời gian gần đây, công luận bàn nhiều về vấn đề ứng xử có văn hóa trong giao thông, nhưng chủ yếu bàn về những người tham gia giao thông chứ chưa đề cập nhiều đến văn hóa ứng xử của những người có trách nhiệm trong xử lý vi phạm pháp luật về giao thông. Lực lượng có nhiệm vụ làm công tác này là: Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an cấp xã, Thanh tra giao thông (TTGT)… Thiết nghĩ, nếu chúng ta xem người tham gia giao thông là một mặt của vấn đề văn hóa giao thông thì mặt thứ hai của vấn đề thuộc về những nhân viên thi hành công vụ trên lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông. Việc ứng xử có văn hóa của những nhân viên nói trên trong khi thi hành công vụ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông.
Xử lý vi phạm trật tự giao thông. |
Đối với lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự giao thông, Chính phủ và ngành chủ quản đã ban hành nhiều văn bản quy định những việc được và không được làm cũng như về tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử… trong khi thi hành công vụ. Ví dụ, đối với CSGT có Thông tư 60 do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành về Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát Giao thông đường bộ, nói rõ: Khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực (điểm c, Khoản 1, Điều 3). Những quy định này thể hiện sự tôn trọng con người- dù người đó có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Các nhân viên thi hành công vụ nếu thực hiện đúng những quy định đó với tác phong thái độ nghiêm túc, đúng mực sẽ thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời qua đó có tác dụng giáo dục đối với đối tượng bị xử lý và cả với những người khác. Thời gian qua, các lực lượng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã có rất nhiều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tuy nhiên còn không ít cán bộ, nhân viên khi thực thi nhiệm vụ có thái độ, tác phong không đúng mực, làm cho dư luận bất bình, người vi phạm bị xử lý không “tâm phục, khẩu phục”.
Đặc điểm tâm lý đám đông của đối tượng tham gia giao thông là lan truyền rất nhanh và rộng. Một người đi đường bị CSGT xử phạt về một hành vi vi phạm nào đó thì lập tức sẽ có những người xung quanh chú ý về thái độ của người xử lý (CSGT) và cả người bị xử lý. Và rồi sau đó khi về nhà, đến cơ quan, gặp bạn bè… sự việc sẽ được đánh giá, nhận xét, phê phán nhiều kiểu, nhiều chiều, nhưng thường tập trung vào nhận xét về thái độ của nhân viên thi hành công vụ. Người viết bài này đã gặp và nghe nhiều trường hợp người vi phạm bị xử lý đã có thái độ không hài lòng, thậm chí có ấn tượng không tốt về một số CSGT khi xử lý vi phạm của họ, mặc dù họ có lỗi! Do đó, làm thế nào để khi xử lý người vi phạm họ phải “tâm phục khẩu phục” thì mới là điều cơ bản, bởi xử phạt người vi phạm suy cho cùng là những chế tài cần thiết nhằm xử lý, răn đe người vi phạm, có tính chất tức thời, biện pháp tình thế, còn điều quan trọng vẫn phải là giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền giải thích cho mọi người hiểu để khi tham gia giao thông đều có ý thức tự giác, tôn trọng pháp luật về giao thông.
Để đạt được điều đó thì cần phải thực hiện thật tốt văn hóa ứng xử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT, TTGT… với những yêu cầu và quy định nghiêm ngặt khi tuyển chọn, đào tạo, bố trí những nhân viên làm nhiệm vụ này, và phải thường xuyên giáo dục, kiểm tra và đặt ra những yêu cầu cao đối với họ. Dĩ nhiên phải kèm theo đó những chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng nhằm động viên khuyến khích họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời các cấp quản lý, chỉ đạo và đề ra chính sách cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những điều còn bất cập, chưa phù hợp trong những quy định liên quan đến TTATGT.
Lưu Hữu Phước