Cần xây dựng những giải pháp để có thể tối ưu và an toàn được cho hệ sinh thái IoT đang được dự báo sẽ bùng nổ khi triển khai mạng 5G
Ảnh hưởng quá nặng của đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã làm chậm lộ trình thương mại hóa mạng 5G tại không ít quốc gia. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau, phải làm việc từ xa càng làm nổi rõ hơn nhu cầu bức thiết phải sớm triển khai và mở rộng hệ sinh thái IoT (internet vạn vật) 5G.
Quý III/2021sẽ có 5G thương mại
Việt Nam có 3 nhà mạng di động là VinaPhone, Viettel, MobiFone được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G với quy mô trạm BTS có giới hạn. Trong đó, chỉ có VinaPhone thử nghiệm tại cả TP HCM lẫn Hà Nội, Viettel thử nghiệm tại Hà Nội còn MobiFone tại TP HCM. Giấy phép thử nghiệm 5G thương mại có thời hạn tối đa là giữa năm 2021. Có nghĩa là, các nhà mạng có thể bắt đầu chính thức cung cấp 5G thương mại trong nửa cuối năm 2021.
Khác với các công nghệ mạng di động trước đó, khi nói tới mạng 5G, người ta không chỉ gói gọn trong viễn thông cơ bản, internet di động mà còn mở rộng ra các lĩnh vực cần những đặc tính chỉ 5G mới có như độ trễ gần như bằng 0, có thể kết nối cùng lúc hàng trăm thiết bị. Và một trong những lĩnh vực từ lâu nay vốn được coi là một xu hướng mới, thậm chí một thời kỳ mới là IoT sẽ hưởng nhiều lợi ích từ mạng 5G. Hiện hệ sinh thái IoT ngày càng đa dạng với những chiếc đồng hồ, vòng đeo tay, kính thông minh; các thiết bị gia dụng trong ngôi nhà thông minh như đèn, quạt, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi… nghĩa là các thiết bị điện tử có kết nối internet và có thể điều khiển từ xa qua internet.
Trải nghiệm xem phim bằng công nghệ 5G, phim mịn, mượt, thời gian tải phim gần như bằng 0 Ảnh: MINH TÚ |
Nếu trí tuệ nhân tạo AI là giai đoạn tiếp theo của công nghệ thì IoT có thể được gọi là giai đoạn tiếp theo của internet. Đó là lúc mọi thứ trong cuộc sống đều có thể kết nối internet và "nói chuyện" với nhau. Matthew Evans, người đứng đầu bộ phận lập trình IoT ở trang công nghệ Anh TechUK, mô tả: "IoT là làm cho các thiết bị, từ các cảm biến đơn giản tới các smartphone và thiết bị đeo thông minh có thể kết nối với nhau". Các thiết bị IoT được phổ biến sau smartphone nhưng tới nay đã nhiều hơn smartphone. Theo dự báo của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, vào năm 2025 ước tính có tới 41,6 tỉ thiết bị IoT sẽ được sử dụng trên thế giới, hình thành một mạng lưới các thiết bị có thể kết nối với nhau, từ smartphone tới thiết bị nhà bếp. Và một trong những mục đích của việc phát triển 5G chính là để đáp ứng cho nhu cầu thiết bị IoT này.
Tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 - Vietnam Security Summit 2020 mới đây ở Hà Nội, ông Bill Feng, chuyên gia cao cấp về giải pháp an ninh mạng và bảo mật dữ liệu của nhóm kinh doanh Huawei Carrier BG thuộc Tập đoàn công nghệ Huawei, đã chia sẻ: "Với việc tăng tốc triển khai mạng 5G, các kịch bản ứng dụng IoT đã đến. Với việc tăng tốc triển khai mạng 5G, các kịch bản ứng dụng IoT với độ trễ thấp và độ tin cậy cao sẽ ngày càng trở nên đa dạng". Bà Michelle Engarto, Phó Chủ tịch về các giải pháp không dây tại Corning, một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, dự báo rằng: "5G sẽ tạo ra sự phát triển bùng nổ của các thiết bị IoT trên thị trường. Độ trễ cực thấp của 5G sẽ mở đường cho các trường hợp sử dụng mới hơn như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), đồng thời mở ra các khả năng đột phá mới hơn trong việc số hóa các ngành dọc như: chăm sóc sức khỏe, sản xuất thông minh và giáo dục. Nó có thể là động lực chính để xây dựng các thành phố thông minh hơn với sự tiến bộ trong giao thông vận tải, an toàn công cộng và thậm chí cả bán lẻ".
Theo ông Bill Menezes, một nhà phân tích cao cấp của hãng nghiên cứu Gartner, giao tiếp giữa máy và máy rộng lớn kết hợp với sự kết hợp sắp tới của các khả năng NB-IoT (IoT băng tần hẹp) của 5G, có thể khuyến khích thêm việc triển khai IoT. Điều này có thể bao gồm các thành phố thông minh có thể gặp ít khả năng phải mở rộng về sau hơn như với các công nghệ không dây di động khác như 4G LTE hoặc mạng internet không dây WiFi. 5G trong các phiên bản sau này có khả năng hỗ trợ nhiều thiết bị hơn đáng kể trong vùng phủ sóng của nó. Ngoài ra, ở dải tần trung và dải thấp, nó sẽ truyền xa hơn và do đó bao phủ các khu vực lớn hơn WiFi".
Đe dọa bảo mật IoT
Khác với smartphone, các thiết bị IoT đa dạng có giá rất rẻ và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Với số lượng quá nhiều, chất lượng đa dạng, "binh đoàn" IoT có thể gây rối, thậm chí tắc nghẽn mạng. Và điều đáng lưu ý là với khả năng bảo mật thấp hơn smartphone, các thiết bị IoT dễ dàng trở thành những cửa ngõ cho bọn tội phạm tin học mạng xâm nhập vào các hệ thống mạng. Các mối đe dọa bảo mật IoT đến từ các thiết bị đầu cuối, đường truyền, nền tảng/đám mây và ứng dụng.
Tại hội thảo về an ninh mạng do Việt Nam vừa tổ chức, các diễn giả là chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng IoT, các sự cố bảo mật của IoT không ngừng xảy ra. Các phương tiện truyền thông đã đưa tin về nhiều sự cố IoT, chẳng hạn như virus Stuxnet, sự cố lưới điện Ukraine và sự cố mất kết nối internet ở Bờ Đông nước Mỹ do virus Mirai lây nhiễm trên một số lượng lớn camera. Trong năm 2019, nhiều khóa cửa thông minh cũng được phát hiện có lỗ hổng bảo mật. Những kẻ tấn công có thể sử dụng các lỗ hổng để mở cửa và đột nhập nhà từ xa.
Vì thế, song song với việc triển khai 5G thương mại, các cơ quan chức năng nhà nước cần phải xây dựng được những giải pháp để có thể tối ưu hóa mà vẫn bảo vệ an toàn được cho hệ sinh thái IoT đang được dự báo sẽ bùng nổ khi được chấp thêm đôi cánh 5G.
Đừng ham thiết bị IoT rẻ
Theo chuyên gia Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty NTS Security, vừa qua vấn nạn hack camera an ninh với mức độ bảo mật kém gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Thông thường người dùng các thiết bị IoT hay chú trọng vào chức năng và giá bán nhưng không yêu cầu cao về bảo mật. Các thiết bị công nghệ bảo mật cao thường đắt tiền làm cho người mua ngần ngại và chọn sự thỏa hiệp bảo mật tàm tạm - một khái niệm nguy hiểm trong an ninh mạng. Các web đen của các chợ hacker đã rao bán hàng loạt sâu trojan xâm nhập cửa hậu của các thiết bị IoT kém bảo mật để dễ dàng tấn công người dùng trên diện rộng. Vì vậy, bản thân thiết bị IoT cần bảo mật cao cho chính nó. Và thiết bị điện thoại điều khiển từ xa đến thiết bị IoT cũng cần bảo mật. Hiện nay, bảo mật cho các thiết bị điện thoại android đang bỏ ngỏ vì người dùng thờ ơ. M.Trí
Phạm Hồng Phước (NLĐO)