Câu chuyện bên dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ayun Pa (Gia Lai) có một địa thế rất tuyệt vời, là nơi hợp lưu của hai dòng sông Ayun và Pa. Lịch sử loài người thường gắn với các dòng sông và các nền văn minh nhân loại cũng đều phát tích từ đó. Các lưu vực sông thường là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử của loài người.
Sông Ayun và Pa thì chưa biết nó có lưu giữ gì hàng vạn năm dưới ấy không, nhưng chắc chắn lưu vực của nó là nơi phát tích của một tộc người nổi tiếng là người Jrai với một địa danh cũng nổi tiếng một thời: Cheo Reo Phú Bổn. Nhất cận thị nhị cận giang, Ayun Pa có cả hai yếu tố ấy, dù cái thị hơi hẻo lánh, nhưng sắp tới khi quốc lộ 25 được nâng cấp thì cái thị này sẽ thông thương cả biển, cả rừng, cả bình nguyên, trở thành nơi nhộn nhịp chả kém địa danh nào trên đất nước này.
 
Sông Ba- đoạn qua đèo Tô Na. Ảnh: Văn Công Hùng
Tôi là người có duyên nợ với mảnh đất này ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bây giờ lên thị xã, diện tích Ayun Pa thu hẹp lại, nhường cho sự xuất hiện thêm hai huyện là Phú Thiện và Ia Pa, chứ ngày xưa, đổ đèo Chư Sê xong là ta đã bỏng rát nắng gió Ayun Pa rồi. Thủy lợi Ayun Hạ mở ra là một cuộc thoát sinh cho cả cái đồng bằng mênh mông này khiến cho bây giờ đi giữa nắng mà cứ rười rượi mát như nồm Nam xứ Bắc.
Tộc người Jrai sống tại nhiều nơi trên dải đất Tây Nguyên, nhưng đậm đặc và tinh túy thì có lẽ là ở Ayun Pa và Krông Pa, trong đó Ayun Pa là nơi sinh ra nhiều người nổi tiếng trong lịch sử. Những trí thức người Jrai nổi tiếng, các chính khách, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục xuất thân từ xứ này rất nhiều, ví dụ những cái tên này kể ra có lẽ ít người không biết: Nay Đer, Nay Phin, Ksor Krơn, Nay Pha, Ksor Phước... họ đã góp phần làm cho vùng đất này vọng vang lên một cách sang trọng.
Ở Ayun Pa bây giờ người ta dễ dàng nhận ra cái phong cách phố thị xen lẫn phong cách buôn làng mà không dễ gì nơi khác có. Tết này, tôi có cộng tác với Báo Xây Dựng trong chuỗi chủ đề “Làng phố- phố làng”, cũng viết về làng Tây Nguyên. Và mới thấy rằng, ở các nơi bây giờ, người ta rất chú ý đến yếu tố làng trong phố và phố trong làng. Ayun Pa đang giữ được các đặc trưng ấy. Xã hội đi lên thì phải có phát triển, xây dựng, nhưng phải phát triển xây dựng làm sao để không mất đi bản sắc văn hóa vùng, để con người vẫn phải được gần gũi hòa nhập với thiên nhiên chứ không phải tự nhốt mình vào những cái hộp xám ngắt được mệnh danh là đô thị, ánh sáng giả, không khí giả, cây xanh cũng giả...
Bây giờ, người ta quan niệm đô thị hiện đại là phải có không gian làng, có môi trường trong lành, con người được sống gần với thiên nhiên, lấy cảm hứng thiên nhiên mà phát triển thành phố. Tôi cứ hình dung Bến Mộng được đầu tư xây dựng theo cảm hứng ấy, các con phố Ayun Pa sẽ được đầu tư quy hoạch theo cảm hứng ấy, các làng trong thị xã Ayun Pa được bảo tồn một cách khoa học theo cảm hứng ấy và văn hóa Jrai Ayun Pa được tạo điều kiện để phát tiết thăng hoa trong cảm hứng ấy, để một Ayun Pa đô thị hiện đại nhưng vẫn nguyên bản sắc Jrai, không thể lẫn với đô thị nào.
Đã có khá nhiều câu thơ đẹp về Ayun Pa, thảng như: Tôi nhớ một Ayun Pa trưa ấy/Như nứt ra từ lùm dứa dại/Những đứa trẻ ngập ngừng đủ giọng Bắc Trung Nam/Như nở ra từ khói những cánh rừng/Những đứa trẻ chân trần thập thò đen nhẻm/Rồi chúng ùa vào tôi như buộc tôi vào/Với đất đỏ nhà rông bản làng... (Hương Đình), hoặc như: Những chiều vàng mênh mang mây trôi/Ayun Pa cứ rộng dài bất tận/Xanh và xanh một màu no ấm/Gió ngập đồng sóng vỗ cao nguyên (Phạm Đức Long).
Ngay những câu thơ này thôi, ta cũng bắt đầu nhận ra sự đa văn hóa ở vùng đất này-một điều tiên quyết để phát triển. Sự đa văn hóa ấy vừa là động lực phát triển nhưng nó cũng sẽ phá vỡ sự phát triển hài hòa nếu ta áp đặt, duy ý chí. Cho đến bây giờ, tôi cho rằng, cái bản sắc Jrai dẫu chưa nổi bật ở Ayun Pa nhưng cũng chưa mất đi. Tất nhiên không phải là cứ phải giữ tất cả những gì là bản sắc rồi ấn vào hiện đại, mà biết chọn lọc để nó toát lên cái hồn cái cốt trong sự hiện đại đương nhiên.
Từ Pleiku ngày xưa xuống Ayun Pa có khi mất cả ngày, giờ chỉ hai tiếng xe Tấn Tài, thì Ayun Pa rõ ràng đã rất gần với trung tâm Gia Lai, nó xóa đi sự cách trở vốn dĩ khiến cho vùng đất tiềm năng này từng bị cô lập. Nhưng cũng lạ, đang đà thông thương thế, cởi mở thế mà hãng xe này lại tự co mình lại khi mà chỉ đến 4 giờ chiều đã là chuyến xe cuối cùng. Sẽ là rất thuận tiện nếu chuyến xe cuối cùng ấy xuất bến lúc 9 giờ, thậm chí là 10 giờ đêm, khi ấy khoảng cách Pleiku-Ayun Pa càng gần nữa. Người ta có thể an tâm chơi bời mua sắm thăm nhau uống cà phê, xem phim... đến tận chín mười giờ đêm rồi bình thản ra xe về lại nơi xuất phát. Việc này có khi phải có sự tham gia của cả chính quyền thị xã, cần thiết thì bù lỗ một thời gian để khoảng cách ngày càng gần lại. Có ở Ayun Pa mới thấy cái khoảng cách ấy nó quan trọng và thân thiện đến như thế nào?...
Và tôi cứ ước ao, sẽ có ngày được kể câu chuyện bên dòng sông ấy bằng văn chương hoặc chí ít là một bộ phim tài liệu nghệ thuật...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm