(GLO)- Cũng đã chừng 3 hay 4 tháng gì rồi tôi chưa có dịp trở lại Đà Nẵng, nghe các bạn ở đó cho hay bao điều đáng ghi nhận về sự phát triển đi lên của xứ sông Hàn này, chỉ vài tháng mà ai đó chưa có lần ghé sẽ bất ngờ khi thấy những gì diễn ra trước mắt. Tôi nghĩ điều đó không có gì lạ, bởi người ở xứ này gần như luôn tìm cho mình một lối đi hợp với những thời điểm khác nhau mà cuộc sống đặt ra.
Một ví dụ mà bạn tôi vừa thông tin: Ngày 7-5 vừa qua, bằng một cuộc họp khá rộng rãi về thành phần người dự, trong đó làm (bàn) một chuyện duy nhất là phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nay đến năm 2020.
Ảnh minh họa |
Trong khi cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn đang diễn ra tình trạng kẹt xe, hạ tầng giao thông xuống cấp… ở đó, hết ngày này qua tháng nọ, hết ông nọ đến bà kia, triền miên những cuộc họp, những giấy tờ, những văn bản được tổ chức, được đưa ra để “xử lý chuyện giao thông đô thị”, mà chữ gọi là chống ùn tắc giao thông, chống vận chuyển quá khổ quá tải, siết chặt và xử lý nghiêm, xử lý “quyết liệt”… thì Đà Nẵng lặng lẽ nghĩ và quyết định một việc sao mà sát đúng với thực tiễn cuộc sống liên quan đến vấn đề giao thông đô thị đến vậy?
Trong cuộc họp nói trên, có nhiều nội dung đáng quan tâm, trong đó có một việc không chỉ người Đà Nẵng mà là kẻ ngoại xứ như người viết bài này lấy làm tâm phục khẩu phục… Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đưa ra kết luận rành rành cuối buổi họp: Hỗ trợ giảm 40% giá vé đối với những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, người nghèo đi xe buýt.
Còn đối với người có công, người khuyết tật, người già khi đi xe buýt thì được miễn phí hoàn toàn. Cái nữa là hỗ trợ cho người đi xe buýt, khác với một số nơi cũng làm điều này nhưng đối tượng được hỗ trợ lại là… doanh nghiệp vận tải và hậu quả của việc hỗ trợ không đúng đối tượng đã “tiền mất tật mang”, một số doanh nghiệp lợi dụng sự ưu ái từ ngân sách nhà nước này mà đục khoét, khi phát hiện ra thì sự cũng đã rồi!
Chủ trương, chính sách, nói theo kiểu sách vở thì chỉ là “lý thuyết”, còn nó có được thực tiễn chấp nhận hay không, nếu có, khi ấy mới trở thành “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hy vọng, lại một lần nữa Đà Nẵng khẳng định “cây đời” này trong hiện tại và cả cho tương lai mãi mãi xanh tươi, biến đô thị hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên này trở thành đô thị kiểu mẫu trong mọi lĩnh vực như nhiều việc đã làm và sự mong muốn của bao người của xứ sông Hàn!
Bích Hà