Kinh tế

Doanh nghiệp

Chăm lo đời sống người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá mủ cao su liên tục sụt giảm trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến Ngành Cao su Việt Nam nói chung, các công ty cao su nói riêng. Hầu hết các công ty trong ngành cao su phải đối mặt với nhiều khó khăn, một số công ty buộc cắt giảm nhân công lao động vì thu không đủ bù chi... Trước tình hình khó khăn chung, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah cũng không nằm ngoài vùng xoáy.

Hướng dẫn công nhân kỹ thuật cạo mủ cao su. Ảnh: Như Nguyện

Khó khăn thế nào cũng không để người lao động chịu thiệt thòi-đó chính là lý do dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah vẫn không cắt giảm nhân công lao động. Đối với Công ty, người lao động là gốc, cây có vững thì đòi hỏi gốc phải sâu. Vì vậy, không thể vì cái lợi trước mắt mà có những giải pháp tình thế, sai lầm. Ông Lê Đức Tánh- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah cho biết: “Công ty hiện đang quản lý 3.618 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Dù có nhiều khó khăn do giá mủ cao su thời gian qua liên tục sụt giảm nhưng nhìn chung, thu nhập của người lao động trong Công ty vẫn được đảm bảo, đời sống ổn định, phát triển; nhiều hộ vươn lên làm giàu và trở thành những điển hình tiên tiến của địa phương”.

Với tỷ lệ gần 60% lao động là người dân tộc thiểu số, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah là một trong những đơn vị có tỷ lệ người lao động là người dân tộc thiểu số cao nhất ngành Cao su Việt Nam. Với mặt bằng lao động không đồng đều, trình độ chuyên môn khác nhau, Công ty đã có những giải pháp cụ thể như mở các lớp bổ túc văn hóa, các lớp tập huấn, nâng cao tay nghề; các lớp bồi dưỡng chính trị cho người lao động từ đó dần dần rút ngắn khoảng cách và có thể khẳng định hiện nay đội ngũ công nhân-lao động của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah không chỉ nắm bắt các kỹ thuật về trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su mà còn là một đội ngũ thạo việc, lành nghề, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật và có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng.

Nhằm nâng cao đời sống thu nhập của người lao động, Ngoài các chính sách về tiền lương, tiền thưởng; chế độ chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ độc hại, ăn giữa ca.., chế độ bảo hiểm lao động được Công ty thực hiện đầy đủ… Công ty vận động công nhân vay vốn thâm canh nhằm tăng năng suất sản lượng vườn cây khai thác, rút ngắn chu kỳ kiến thiết căn bản, xoay vòng vốn vay từ quỹ phúc lợi từ 3- 5 triệu đồng/người để làm kinh tế phụ tăng thêm thu nhập; phối hợp với Phòng Tổ chức-Lao động và Đào tạo tổ chức kiểm tra chế độ ăn giữa ca cho công nhân, thực hiện ăn no, ăn chín, uống sôi, đảm bảo sức khỏe cho người lao động tham gia lao động sản xuất...

 

Dù khó khăn nhưng Công ty luôn quan tâm, chăm lo đời sống người lao động.
Ảnh: Như Nguyện

Thời gian vừa qua, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ việc giá tiêu thụ mủ trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ trực tiếp đến đời sống và thu nhập của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Công ty nhưng với sự quan tâm sát sao đồng thời có những định hướng, chỉ đạo đúng đắn, thu nhập và quyền lợi của người lao động vẫn được bảo đảm. Đáp lại, đó là một tập thể lao động cần mẫn, luôn đồng hành cùng sự phát triển của công ty, chia sẻ khó khăn, cùng vượt qua những thử thách.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah Lê Đức Tánh chia sẻ: “Năm 2015 dự đoán sẽ là năm tiếp tục có nhiều khó khăn và thử thách  với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói chung, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah nói riêng do giá mủ cao su giảm sút chưa có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng Công ty vẫn đặt trọng tâm người lao động lên hàng đầu và coi đó là đối tượng cần chăm lo. Công ty sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý trước hết là quản lý lao động; tổ chức tốt việc khai thác để có sản lượng, năng suất đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao; thực hiện kiên quyết các biện pháp để hạ giá thành, hạn chế tối đa những chi phí không cần thiết đồng thời tính toán thật kỹ đơn giá tiền lương trên cơ sở tăng năng suất lao động để bảo đảm thu nhập tiền lương hợp lý giúp người lao động ổn định công tác, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số; điều chỉnh hợp lý tiền lương giữa các vườn cây, giữa các đơn vị để tạo động lực kích thích người lao động nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng…”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm