Xã hội

Từ thiện

Chăm lo, giúp đỡ trẻ khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Ia Boòng có số trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng nhiều nhất huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) với 17 trường hợp. Vì vậy, quan tâm chăm lo giúp đỡ các em không chỉ là trách nhiệm và tình cảm của các gia đình và người thân.
Khi chúng tôi đến thăm, chị Siu Vên (làng Klũh Klăh) đang chăm sóc cô con gái nhỏ Siu Phen nằm bất động trên giường. Suốt 2 năm qua, ngày nào chị Vên cũng lặp đi lặp lại các thao tác đến thuần thục.
Nhắc đến con, chị Vên rầu rĩ kể: “Cháu thích học lắm, cả năm học lớp 2 không nghỉ ngày nào. Gần đến thi học kỳ II, cháu bỗng kêu đau đầu, buồn ngủ. Mình mua thuốc cho uống cũng không đỡ. Sau đó thì cháu sốt cao, co giật. Vào bệnh viện thì bác sĩ nói cháu bị sốt bại liệt”. Từ một cô bé hiếu động, ham học, giờ Phen nằm một chỗ, mắt cứ trợn ngược và thở khó nhọc. Cứ vài phút, em lại hụt hơi và khục khặc nơi cổ, vì vậy luôn phải có người túc trực, dùng máy hút đờm kịp thời. “Từ ngày con gái bị bệnh, mình có ngủ được đâu, cũng không đi đâu xa vì ngoài vợ chồng mình không ai dám lại gần hay giúp được con”-chị Vên trần tình.
Chị Siu Vên (làng Klũh Klăh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) chăm sóc cô con gái nhỏ Siu Phen. Ảnh: Phương Dung
Sau Phen còn 2 em nhỏ (4 tuổi và 9 tháng tuổi) cũng cần người chăm sóc. Do đó, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai anh Rơ Lan Dol. Ngoài chăm sóc 400 cây cà phê, anh Dol còn thuê 2 sào đất để trồng lúa nước nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Thiết bị hỗ trợ sự sống cho Phen đều do các Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Nhìn con gầy gò, chân tay teo tóp từng ngày, anh Dol không cầm được nước mắt. Anh chia sẻ: “Cách đây 10 ngày, đầu con bị sưng to phải nhập viện điều trị. Nhiều người khuyên nên cắt đi mái tóc dài của con nhưng mình không nỡ. Lúc trước, con thích để tóc dài lắm!”.
Một trường hợp khác cũng đáng thương không kém là em Rơ Mah Khưn (SN 2008, cùng làng). Khưn là con trai đầu của vợ chồng anh Kpă Dú-chị Rơ Mah Bép. Từ sáng sớm, vợ chồng chị Bép đã dắt 4 đứa con sang nhờ bà ngoại trông để đi hái cà phê thuê. 3 đứa nhỏ chẳng chịu ngồi im, theo đám bạn trong xóm đi chơi, duy có Khưn bị bệnh nên chỉ quanh quẩn trong nhà. Không phân biệt được người quen hay lạ, Khưn ngây dại, thỉnh thoảng bật cười hềnh hệch. Bà Rơ Mah Kăng (bác ruột của Khưn) cho biết: “Lúc mới sinh, nó không khóc cũng không bú sữa. Mấy ngày như thế, gia đình sợ quá đưa đến bệnh viện mới biết nó bị bệnh bẩm sinh. Giờ lớn rồi cũng không biết đói, biết đau, chân yếu cứ đi vài bước lại ngã. Thỉnh thoảng, nó còn đập đầu vào tường đến chảy máu”. Ngồi cạnh cháu ngoại với một bên chân bị tật, bà Rơ Mah Đan thương cảm: “Hai bà cháu cứ bò, lết quanh nhà. Mình thương Khưn lắm nhưng chẳng biết làm sao”.
Em Rơ Mah Khưn và bà ngoại. Ảnh: Phương Dung
Tương tự, em Rơ Mah Khôi (SN 2011, làng Iắt) cũng mắc chứng bại não bẩm sinh thể múa vờn. Khôi đi đứng khó khăn và không kiểm soát được hành vi. Bà Bùi Thị Bến-công chức Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Boòng-cho hay: Trên địa bàn xã hiện có 132 trường hợp khuyết tật, trong đó có 14 trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng, 54 trường hợp khuyết tật nặng và 64 trường hợp khuyết tật nhẹ. Đối tượng trẻ em thì có 1 trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng và 16 trường hợp khuyết tật nặng, đa phần các em đều bị khuyết tật bẩm sinh.
Trao đổi về vấn đề chính sách dành cho những đối tượng này, ông Cù Minh Thông-Chủ tịch UBND xã Ia Boòng-cho biết: Trong số 17 trẻ khuyết tật có 1 trường hợp thuộc diện hộ nghèo và 1 thuộc hộ cận nghèo. Trách nhiệm của xã là thực hiện công tác bảo trợ xã hội dành cho đối tượng theo quy định, kịp thời. Vào dịp lễ, Tết, các ban ngành, đoàn thể đều duy trì hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà động viên gia đình. Địa phương cũng tạo điều kiện để các gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay và hỗ trợ cây giống, kỹ thuật giúp phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Riêng với trường hợp cháu Siu Phen, Đoàn Thanh niên xã và Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm