Bạn đọc

Chăm lo Tết cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu tháng Chạp, Tết đã râm ran đến mọi nhà. Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người. Tết không chỉ là dấu mốc hiện tại mà chất chứa bao hoài niệm quá khứ, tỏ rõ khát vọng về tương lai tươi đẹp, là niềm tin thẳm sâu trong sức mạnh tâm linh của mỗi người trong hành trình đi hết quãng đời.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được đón Tết vui vẻ, nhất là người nghèo. Ai đó viết: “Tết về cho người giàu khoe khoang, Tết về người nghèo buồn tủi, Tết về lòng mẹ tơ rối, tìm đâu áo mới con thơ...”. Rất nhiều người nghèo không muốn Tết đến, vì bao nhiêu khoản nợ nần đều hẹn cuối năm, bao thứ phải mua sắm, trang trải mà tiền thì biết kiếm đâu ra. Những đôi mắt hồn nhiên đau đáu của con thơ chờ mong áo mới, quà bánh... Năm nay, nông sản mất giá, chưa bán được, áp lực Tết đến với người nghèo còn nan giải hơn.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tết là dấu mốc của đất trời, không thể lần khất, hòa hoãn, vì thế, xã hội ngày càng thông cảm và san sẻ niềm vui ngày Tết với đồng bào nghèo. Gần đến tháng Chạp, các đoàn từ thiện, các tổ chức, gia đình; công khai có, âm thầm có, vừa vận động bạn bè, doanh nghiệp hỗ trợ, vừa trích kinh phí của cá nhân, gia đình mua sắm những suất quà Tết tặng cho bà con vùng sâu, vùng xa, cho những người thiếu may mắn, cuộc sống còn khốn khó.

Ngày 18-1, cộng tác viên của Báo Gia Lai ở huyện Đức Cơ “phát hiện” ông Phạm Đình Thu-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho bà con nghèo xã Ia Lang. Nói phát hiện là bởi những người làm từ thiện này không mời báo chí. Tổng số suất quà mà ông cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh huy động lần này cho bà con lên tới 320 suất, mỗi suất 400.000 đồng, một khoản tiền khá lớn.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thường xuyên quan tâm chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo, trong đó có Gia Lai. Ngày 16-1, đoàn công tác do ông Nguyễn Thành Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu đã có chuyến thăm, giúp đỡ đồng bào nghèo tại tỉnh Gia Lai, tổng số tiền hỗ trợ là 300 triệu đồng. Ngày 20-1, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã đến thăm, tặng 300 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho phụ nữ nghèo và Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tùy theo khả năng của mình, cũng bắt đầu đến thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách và đồng bào nghèo. Ngày 12-1, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Pưh đã tặng 12 suất quà cho các cựu tù chính trị yêu nước trên địa bàn huyện, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Món quà nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng son sắt thắm tình đồng đội trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Ngoài sự chia sẻ của các nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân, đơn vị, địa phương, ngay từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã có kế hoạch phân bổ kinh phí, hỗ trợ quà Tết Mậu Tuất cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách trong tỉnh, tổng số tiền lên đến hơn 24 tỷ đồng. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Xuân về thì các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ một khoản kinh phí (5 triệu đồng cho làng có từ 30 hộ trở lên) để bà con vui Tết chung cả làng. Số tiền này cùng với sự đóng góp của mỗi gia đình khiến các buôn làng vui Xuân, đón Tết rất đầm ấm, vui vẻ.

Sự quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo, cho các buôn làng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc “lá lành đùm lá rách” của con người Việt Nam. Tết cổ truyền đi qua mỗi đời người, có số lần đếm chỉ ở 2 con số, ít ai nhớ đến con số thứ 3. Vì thế, sự giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng cho người nghèo khó, neo đơn; sự quan tâm, chăm sóc những hoàn cảnh cơ nhỡ của xã hội sẽ là sự động viên rất lớn, giúp những người nghèo khó vươn lên trong cuộc sống. Những gian nan tủi hờn vì thế sẽ vơi đi. Ngày Tết mọi nhà đều vui, khởi đầu một năm mới an vui thì dù giàu hay nghèo cũng không quá quan trọng. Xét cho cùng, sự an vui, hạnh phúc mới là cái đích đến của cuộc sống. Chia sẻ với người nghèo khó thì hạnh phúc nhân lên cho cả hai, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm