Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chạm một miền sương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến Pleiku (Gia Lai), dường như ai cũng nghĩ ngay đến một miền sương giăng mờ dốc phố. Song, phố trong lòng mỗi người lại khác nhau, tùy vào trải nghiệm cá nhân. Bằng những xúc cảm lắng đọng, tinh tế, nhà thơ Ngô Thanh Vân đã dẫn dắt người đọc chạm vào vùng ký ức của riêng mình trong tập tản văn “Miền sương tản phố”.  
Phải nói ngay rằng, điều đặc biệt của tập tản văn này chính là cảm thức về Pleiku phố của thế hệ 8X đời đầu. Trong dòng cảm thức ấy, phố xưa là những thứ nay đã xa vắng, bây giờ khó mà tìm thấy nữa; còn phố nay được soi chiếu bằng một góc nhìn thâm trầm, nhiều trải nghiệm sâu sắc nên mang dáng vẻ lãng đãng mà rất đỗi chân tình, chẳng thể rời xa. Những mảng màu đối lập ấy, sự khắc khoải ấy giải thích vì sao Pleiku gợi bao niềm thương trong lòng tác giả cũng như người đọc. 
Vẫn là cao nguyên của sương giăng, của những cơn gió mê mải hay mưa mùa triền miên cùng vạt vạt dã quỳ nhung nhớ. Nhưng chỉ những ai đã sống cùng Pleiku vài mươi năm trước mới hiểu bao thổn thức, đồng điệu về ký ức phố xưa trong tập tản văn dày dặn này. Phố của 8X đời đầu rất đặc trưng qua những buổi phong phanh đạp xe đến trường trong sương mờ lạnh lẽo, tìm hái nấm mối sau mưa, tắm trong hương mùi già hay hít hà khói bếp… Một ấu thơ, một niên thiếu khó nghèo mà cũng thật đáng nhớ.
Nhưng không vì thế mà Ngô Thanh Vân “bỏ quên” phố của thực tại. 34 tản văn trong tập sách này luôn tìm cách tô đậm chân dung của Pleiku trong nắng, trong mưa và cả những buổi giao mùa. Bao giờ phố cũng rất đỗi mơ mộng, duyên dáng và chân tình đến lạ. Tác giả thương mùa lá rụng, thương cơn lạnh đầu đông và cả cái ắng lặng không thể quên nổi của mùa giãn cách. Cũng không thể không thương bao kỷ niệm đời người gắn liền với phố, từ ký ức đẹp đẽ về mối tình đầu cho đến những vụn vỡ, tàn phai. Phố song hành và lưu giữ tất thảy. Không có gì lạ khi nghe chị tự vấn: “Có ai sống trong lòng phố mà lại đem lòng nhớ phố đến quay quắt như tôi không?”.
Tập tản văn “Miền sương tản phố” của nhà thơ Ngô Thanh Vân. Ảnh: Phương Duyên
Nhưng người đọc quý văn của Ngô Thanh Vân không chỉ bởi những câu chữ lãng mạn, tung tẩy, mà vì phía sau đó có bao suy tư về thân phận, về lam lũ đời thường giữa phố. Như chị trải lòng trong tản văn được chọn làm chủ đề của tập sách: “Dẫu biết rằng những ngày Phố núi mờ sương sẽ làm cho nhiều tâm hồn thổn thức. Nhưng cũng hiểu thêm rằng cuộc sống mưu sinh trong nhờ nhờ hơi sương sẽ cơ cực rất nhiều. Tôi đi vào màn sương mỏng với niềm thích thú thụ hưởng. Nhưng có những chuyến xe xuyên sương lúc tảng sáng với kìn kìn rau củ quả cho kịp phiên chợ, hẳn những đôi mắt căng đêm sẽ mệt mỏi vô cùng. Mới hiểu, đôi khi niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia, hạnh phúc của mình hay đâu lại là những đắng cay ai đó…”. Cũng là cảm xúc ấy khi chị bước đi trên thảm lá rơi vàng hay giữa cái lạnh cuối năm. Chị nghĩ đến người lao công hay những đứa trẻ không có nổi một tấm áo để ủ ấm. Nếu chỉ lãng mạn hóa khung cảnh, thời tiết thì dù có bao nhiêu trang viết cũng khó mà tạo ra được rung động lâu bền. 
Thời gian đã làm nên độ chín như thế trong văn của Ngô Thanh Vân. Từ sự ngẫm sâu về cuộc sống, chị vỡ vạc về đời người và thân phận. “Trong những tàn phai lại nghĩ đến nhan sắc cuối chiều của người đàn bà. Ngẫm cho cùng, đời cây và đời người cũng có khác gì nhau là mấy. Từ những hạt mầm, nảy nở thành cây, vắt kiệt mình để khai hoa nở nhụy, rồi lại lặng lẽ về chiều. Cái tuổi về chiều lại chính là thời khắc mãn khai. Ấy là khi người ta hiểu và thấu được nhiều hơn về cuộc sống” (Trong những tàn phai). Giá trị của câu chữ đọng lại từ những đúc kết như thế, mang đến cho người đọc sự ngẫm ngợi để tìm thấy bình yên. 
“Miền sương tản phố” là tập sách thứ 7 ra mắt công chúng nên có thể nói rằng, Ngô Thanh Vân có đủ kinh nghiệm và tâm huyết để chăm chút cho đứa con tinh thần một cách trọn vẹn. Thêm một lý do để phải chăm chút kỹ lưỡng, như chị bộc bạch thì “Mình với Pleiku là duyên nợ. Nên giữa những ngày chông chênh, lại muốn trả nợ Pleiku bằng những trang viết trải lòng…”. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm