Bản thân người lớn phải tự bồi dưỡng, giáo dục mình trước để làm gương, làm nền tảng cho việc dạy trẻ và đủ sức đi cùng trẻ quãng đường dài đến khi trẻ có kỹ năng thực sự.
ThS Lê Minh Huân - Ảnh: NVCC |
Bản tin gần đây về sự việc Công an tỉnh Quảng Nam đang điều tra đơn tố cáo của gia đình một nữ sinh bị 4 thiếu niên có hành vi xâm hại đã khiến nhiều phụ huynh đau lòng và lại lần nữa canh cánh câu hỏi: "Làm sao để bảo vệ con - hay nói đúng hơn là để con tự bảo vệ mình trước dục vọng để không trở thành tội phạm và để con tự bảo vệ mình, không trở thành nạn nhân?".
Trao đổi với PV, ThS Lê Minh Huân, giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết:
- Thực tế, chuyện yếu hoặc thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân nói chung, phòng tránh xâm hại tình dục nói riêng của thanh thiếu niên hiện nay là tình trạng chung. Chỉ một bộ phận các bạn trẻ biết tự bồi dưỡng, rèn luyện hoặc được nhà trường, gia đình tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp cận, học tập các kiến thức, kỹ năng này khi còn nhỏ.
* Làm sao để bạn trẻ có các kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi nạn xâm hại? Và cả việc kiềm chế bản thân trong hành vi để không trở thành... người phạm tội?
- Bản chất vấn đề có hay không, thành thục hay yếu kém kỹ năng nào đó cần xuất phát từ nhận thức và hành động của các lực lượng giáo dục chủ chốt là: gia đình, nhà trường và xã hội.
Trước tiên, cả ba lực lượng này cần hiểu và đồng ý rằng việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại là rất quan trọng, nếu không muốn nói ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của trẻ sau này, nhất là những lúc nguy cấp.
Thứ hai, người lớn cần hình thành cho trẻ thái độ trân trọng người khác và chính mình từ thân thể đến nhân cách. Một người biết quý trọng người khác sẽ có trách nhiệm bảo vệ đôi bên, ý nghĩ tấn công, gây tổn hại, tổn thương sẽ giảm thiểu, thay vào đó luôn tìm cách kết nối, phát triển mối quan hệ bạn bè, cộng đồng tốt hơn.
Thứ ba, việc trang bị kiến thức, huấn luyện kỹ năng nếu làm qua loa, chiếu lệ... chưa đạt được mức độ lặp đi lặp lại, tiếp cận đa chiều và thiếu đối chiếu với thực tế năng lực của đứa trẻ, thực trạng xã hội, cũng như chưa tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn thì sẽ khó hiệu quả.
Do đó, bản thân người lớn phải tự bồi dưỡng, giáo dục mình trước để làm gương, làm nền tảng cho việc dạy trẻ và đủ sức đi cùng trẻ quãng đường dài đến khi trẻ có kỹ năng thực sự.
Phụ huynh thương con, chăm sóc con và bảo vệ con là đúng nhưng nên dừng đúng chỗ, cần "nhường sân" cho con có thể dùng sức lực, tinh thần "chiến đấu" làm quen với "sân cỏ cuộc đời" để khi va vấp, giẫm gai, thậm chí bị tấn công mà không có người lớn bên cạnh, trẻ đủ sức đứng dậy và chiến thắng một cách an toàn, khỏe mạnh. ThS Lê Minh Huân |
* Những bạn trẻ phạm tội cũng là "nạn nhân" của sự thiếu quan tâm, uốn nắn của gia đình...?
- Đúng một phần - nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ gia đình đối với việc phạm tội của các thiếu niên trong câu chuyện. Xét đến cùng, hầu hết những hành vi của bạn trẻ chưa đủ 18 tuổi đều chịu ảnh hưởng phần lớn từ kết quả của quá trình giáo dục gia đình, nhà trường, đương nhiên không thể không kể đến yếu tố xã hội.
Quan tâm, chăm sóc, uốn nắn thái quá hoặc ngược lại của cha mẹ đều không phù hợp. Việc thiếu chú trọng và giáo dục kỹ năng, pháp luật một cách thường xuyên từ nhà trường khiến người trẻ không đủ sức tự quay đầu, tự răn đe, không dễ dàng chống trả với "dục vọng", với "những chất xúc tác" không mong đợi từ bạn bè, xã hội... dẫn đến các hành động, suy nghĩ nông cạn, nông nổi đến mức phạm tội.
* Nói với bạn trẻ về tự bảo vệ mình, anh sẽ nói gì?
- Học, học một cách nghiêm túc, bằng nhiều cách, từ nhiều người. Kế đến là tìm cách thực hành các kỹ năng sống (đặt ra tình huống để giải quyết, học nhóm với bạn bè...). Kỹ năng tự bảo vệ bản thân có thể xem là "báu vật" giúp chúng ta thoát khỏi hiểm nguy khi gặp phải, bạn trẻ nên nhớ điều này.
* Cảm ơn thạc sĩ đã dành thời gian chia sẻ!
Theo LƯU ĐÌNH LONG thực hiện (TTO)