Sống trẻ - Sống đẹp

Chàng trai mơ làm... nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Làm giàu có lẽ là ước mơ của nhiều người, nhưng để thực hiện được điều đó, bản thân mỗi người phải dám nghĩ, dám làm, thậm chí phải từ bỏ một cái gì đó”. Ấy chính là phương châm sống của anh Trần Đình Trạng (29 tuổi, tổ dân phố 3, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro).

Tháng 6-2010, tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Yersin (Đà Lạt), anh Trạng trở về Kông Chro và xin vào làm hợp đồng tại Trạm Quản lý nước và Công trình Đô thị huyện Kông Chro. Năm 2014, khi đã “yên ấm” với một suất biên chế, anh bất ngờ xin nghỉ việc để về làm kinh tế trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè.

 

Anh Trạng đang lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho bà con nông dân. Ảnh: P.L

Nói về quyết định của mình, anh Trạng chia sẻ: “Công việc của tôi ở Trạm Quản lý nước tuy lương thấp nhưng cũng ổn định, ngoài giờ hành chính tôi còn đi lắp đặt hệ thống nước cho một số gia đình. Chính những lúc đi làm ngoài giờ, tôi chợt mong muốn làm cái gì đó khác hơn, gần hơn với những kiến thức đã học trong 4 năm đại học. Vì vậy, tôi quyết định bỏ việc nhà nước để dành trọn thời gian cho việc thực hiện ý tưởng cải tạo đàn bò giống tại địa phương và cung cấp hệ thống nước tưới nhỏ giọt, giúp bà con nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại”.

Nghỉ việc, anh Trạng bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng việc mở trang trại trồng cỏ nuôi bò. Đầu năm 2016, từ số tiền tích lũy được của 2 vợ chồng và của cha mẹ 2 bên hỗ trợ, anh tìm hiểu, liên hệ và mua giống bò Brahman nhập về từ Úc tại một trang trại ở Đồng Nai. Mới đầu, việc mở trang trại bò gặp rất nhiều khó khăn do bò được vận chuyển từ xa về nên mệt, biếng ăn, bị sốc khí hậu dẫn đến đau thường xuyên. Đến nay, sau 1 năm đàn bò đã thích nghi với khí hậu tại địa phương và phát triển tốt. Lợi thế của bò Brahman là trọng lượng cơ thể lớn, tỷ lệ thịt cao, một con bò trưởng thành có thể nặng từ 500 kg đến 600 kg (đối với bò cái) và 700-1.000 kg (đối với bò đực).

Với 1 ha đất trồng cỏ và 5 ha đất thả bò, đàn bò của anh từ 15 con ban đầu nay đã sinh trưởng thành 30 con. Một mình chăm sóc không xuể, anh thuê thêm 2 công lao động thường xuyên và 3 công lao động thời vụ; qua đó tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương.

Nhận thấy đa phần người dân trên địa bàn huyện sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, anh luôn trăn trở, suy nghĩ cách để giúp bà con tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để dần dần thoát nghèo. Với những kiến thức về Công nghệ Sinh học, anh thấy hệ thống nước tưới nhỏ giọt rất có lợi, vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, giảm công lao động vừa có thể giúp bà con nông dân tăng năng suất cây trồng. Do đó, anh đã giúp bà con nông dân trong toàn huyện tiếp cận với hệ thống này bằng cách tư vấn và miễn phí công lắp đặt. Theo anh Trạng, chi phí để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt là khoảng 10-12 triệu đồng/ha, còn tiền công lắp đặt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Đến nay, đã có hơn 100 hộ làm nông nghiệp trên địa bàn huyện lắp đặt hệ thống này. Chị Lê Thị Phượng (làng Rơng, xã Yang Nam) vui mừng cho biết: “Vụ ớt vừa rồi tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thấy mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với làm thủ công như trước kia”. Còn anh Lê Văn Khánh (xã Đak Pơ Pho) cũng rất phấn khởi: “Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp bà con nông dân tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công lao động, cây trồng được chủ động về nước tưới nên phát triển tốt hơn. Ngoài ra, còn tiết kiệm được phân bón”.

Khi được hỏi về những dự định tới đây, anh Trạng cho hay: “Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt đến bà con, lập một trang facebook để tư vấn, hỗ trợ cách lắp đặt hệ thống để bà con có thể tự lắp đặt tại nhà. Đồng thời, tiếp tục mở rộng trang trại trồng cỏ để nuôi bò”. Bên cạnh đó, anh cũng ấp ủ dự định thực hiện mô hình nhà lưới để trồng rau sạch, từ đó nhân rộng ra toàn huyện để dần dần giúp bà con thoát nghèo. “Nhưng có lẽ với dự định này tôi phải phấn đấu thật nhiều, vì chi phí để thực hiện mô hình nhà lưới khá cao”- anh Trạng tươi cười nói.

Phương Liên

Có thể bạn quan tâm