Chàng trai theo đuổi ngành học 'lạ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trần Huỳnh Tuấn (26 tuổi), đang theo học thạc sĩ ngành thiết kế công trình tối ưu năng lượng và thân thiện với môi trường tại Đại học Lund, Thụy Điển.


Kiến trúc sư trẻ tại hội thảo Buildsim cùng với poster được thiết kế trong vòng 1 tuần ở workshop. Ảnh: NVCC
Kiến trúc sư trẻ tại hội thảo Buildsim cùng với poster được thiết kế trong vòng 1 tuần ở workshop. Ảnh: NVCC
Đáng chú ý, ngôi trường Tuấn đang theo học xếp hạng thứ 95 trên toàn thế giới (theo bảng xếp hạng QS University Ranking) và Thụy Điển là một trong những nước dẫn đầu về thiết kế bền vững.
Lựa chọn con đường ít ai đi
Tốt nghiệp ngành kiến trúc,Trường đại học Kiến trúc TP.HCM vào năm 2019, Tuấn dành 2 năm làm việc tại tại một công ty thiết kế tại Việt Nam.
“Trong thời gian làm việc, mình nhận thấy giá trị của việc bảo vệ môi trường khi thực hiện thi công các công trình xây dựng. Nếu có thể giảm thiểu khí thải độc hại từ công trình cũng như sử dụng nhiều biện pháp tốt cho cả con người và môi trường thì có thể giảm thiểu tối đa việc môi trường bị phá hủy cũng như bảo vệ sức khỏe cho con người”, chàng trai Nha Trang nói về lý do lựa chọn ngành học này.

 
Tại thời điểm quyết định theo đuổi kiến trúc bền vững, Tuấn vẫn còn mơ hồ với hành trình tiếp theo bởi ở Việt Nam nhóm ngành này chưa thực sự phổ biến, chỉ có rất ít công trình xanh được biết đến và thường chỉ được tư vấn chỉnh sửa sau khi đã hoàn thành thiết kế.
“Giữa năm 2020, khi bắt đầu tìm hiểu về thiết kế bền vững, mình đã nghĩ đến việc từ bỏ vì không thể tìm được nguồn tài liệu học tập trong ngành này tại Việt Nam. May mắn, mình được một người anh cùng trường THPT và đại học, hiện cũng đang theo học tại Đại học Lund giống mình, động viên. Anh còn hỗ trợ tìm và giới thiệu cho mình thông tin về các khoá học, tài liệu liên quan tới ngành. Nhờ đó, mình ứng tuyển và đỗ vào hệ thạc sĩ khoá 2021-2023 ngành thiết kế công trình tối ưu năng lượng và thân thiện với môi trường của Đại học Lund và bắt đầu hành trình trong lĩnh vực mới lạ này”, kiến trúc sư trẻ nhớ lại.
Trong khoá học của mình, anh được cung cấp kiến thức hoàn toàn mới mẻ, các nguyên tắc để thiết kế một công trình tối ưu hoá năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuấn được chia sẻ sâu hơn về những yếu tố ảnh hưởng tới năng lượng sử dụng công trình, như: hệ thống thông gió, hệ thống điều hoà không khí sử dụng ánh sáng mặt trời...

Đo cường độ ánh sáng trong một tòa nhà ở Đan Mạch. Ảnh: NVCC
Đo cường độ ánh sáng trong một tòa nhà ở Đan Mạch. Ảnh: NVCC
Chàng trai đam mê kiến trúc bền vững còn được thỏa ước mơ với các chuyến tham quan, trải nghiệm các mô hình công nghệ nổi bật được áp dụng tại châu Âu, công nghệ về cửa sổ làm giảm lượng nhiệt hấp thụ nhưng vẫn cung cấp đủ ánh sáng, hệ thống điều hoà không khí với hệ số sử dụng cao, các loại mái xanh, pin mặt trời thế hệ mới có thể thay thế mái nhà…
Thông qua các hoạt động trong khóa học, Tuấn nhận ra Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kiến trúc bền vững, người Việt có thể giảm tải nguyên vật liệu ảnh hưởng đến môi trường đang được sử dụng. Chính vì thế, anh tiếp tục nỗ lực với hy vọng mang được những giá trị thiết thực trong lĩnh vực này về Việt Nam.
Bước đầu đạt được những thành tựu
“Tháng 8.2022, mình được học bổng toàn phần tham gia workshop có tên NLITED tại Đan Mạch của tổ chức NLITED, chuyên về ánh sáng tự nhiên và tiềm năng của nó trong việc nâng cao sức khoẻ và giảm thiểu năng lượng sử dụng trong công trình. Một tuần ở đây, mình được tiếp thu một lượng thông tin lớn về ánh sáng tự nhiên, cũng như nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của ánh sáng tự nhiên đối với con người. Mình đã hoàn chỉnh một đề tài và thiết kế poster theo yêu cầu, nó cũng chính là sản phẩm đưa mình trở thành một trong số ít những thí sinh tham gia Hội thảo quốc tế “Buildsim Nordic Conference”, hội thảo lớn nhất ở Châu Âu về thiết kế bền vững tại Đan Mạch ngay sau đó”, Tuấn kể.
Tại Hội thảo quốc tế, anh đã có bài thuyết trình với chủ đề “How the stucture and the distance of trees affect the view, thermal comfort and access to sunlight” (Ảnh hưởng của cấu trúc và khoảng cách của cây lên tầm nhìn, nhiệt độ và khả năng tiếp cận ánh sáng mặt trời). Với chủ đề này, Tuấn đã để lại nhiều ấn tượng đối với các giáo sư, chuyên gia đầu ngành cũng như thêm động lực để phá bỏ những rào cản để thực hiện hoá ước mơ mang kiến trúc bền vững về Việt Nam.
Đáng nói, Tuấn là người Việt duy nhất xuất sắc nhận được học bổng và tham gia cùng lúc workshop, hội thảo.
Bên cạnh hoạt động học tập, anh còn xuất sắc là một đại diện của Đại học Lund và ngành thiết kế công trình tối ưu năng lượng và thân thiện với môi trường ngay sau khi hoàn thành học kỳ đầu tiên của khoá học.
“Công việc của mình là hướng dẫn và giúp đỡ các sinh viên mới qua Lund học và đại diện mang hình ảnh của trường đến gần hơn với các bạn sinh viên quốc tế cũng như đến ngành học về thiết kế bền vững. Ngoài ra, mình còn tham gia chương trình Lund Mentors của trường, nhằm giúp cho các sinh viên mới tới không chỉ trong cuộc sống mà còn cả trong học tập”, anh cho biết.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Tuấn có kế hoạch tiếp tục làm việc ở Thụy Điển hoặc các nước Bắc Âu, nơi dẫn đầu về thiết kế bền vững để học hỏi thêm kinh nghiệm.
“Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục học tập và tích lũy kiến thức về kiến trúc bền vững và tiếp tục tìm kiếm thêm những cơ hội khác để tiếp thu và phát triển kiến thức của mình. Khi nhận thấy bản thân đã có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm, mình sẽ mang về Việt Nam chia sẻ thông qua giảng dạy hoặc thành lập công ty chuyên về thiết kế bền vững”, kiến trúc sư trẻ chia sẻ về dự định của mình.
Đồng thời, anh cũng hy vọng có nhiều bạn trẻ Việt Nam mong muốn theo đuổi kiến trúc bền vững nên mạnh dạn thực hiện ước mơ để có thể tìm thấy những giá trị xanh và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung.
Theo Di Yên (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm