Chuyện những cô đỡ thôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không có lương hay chế độ phụ cấp nào nhưng các cô đỡ thôn làng vẫn miệt mài với công việc bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm. Nhờ có đội ngũ này, các ca tai biến sản khoa tại cộng đồng được kéo giảm đáng kể.
Nói về công việc mình đang làm, bà Hoàng Thị Huyên (dân tộc Tày, thôn Hà Ra, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) chia sẻ: “Năm 2005, tôi may mắn được đi học lớp cô đỡ thôn làng tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khóa học, tôi nắm bắt được các kiến thức về khám thai, đỡ đẻ, nhận biết các bệnh lý về thai nghén… và làm cô đỡ thôn làng từ đó đến nay. Dù chẳng có lương hay phụ cấp gì nhưng đã theo nghề thì phải có tấm lòng, tận tâm với công việc. Hễ có ai cần giúp thì bất kể giờ giấc, tôi nhanh chóng lên đường. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
 Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tặng quà cho các cô đỡ thôn làng trên địa bàn tỉnh.                    Ảnh: N.N
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tặng quà cho các cô đỡ thôn làng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.N

Nhân chuyến thăm và trao quà cho các cô đỡ thôn làng tại Gia Lai ngày 12-7 vừa qua, GS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng rất xúc động khi gặp lại các cô đỡ thôn làng mà mình đã từng đào tạo. “Dù không lương nhưng họ vẫn yêu nghề và tâm huyết với công việc, đó là điều rất đáng trân trọng. Đội ngũ này đã góp phần đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa, giúp nhiều sản phụ vượt cạn thành công, giảm thiểu tai biến sản khoa tại cộng đồng”-bà Phượng xác nhận.


Theo bà Huyên, tại nơi bà sinh sống, nhiều người vẫn còn thói quen sinh đẻ tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. “Vì vậy, tôi luôn vận động các thai phụ nên đến cơ sở y tế để sinh đẻ an toàn, đề phòng tai biến sản khoa”-bà Huyên nói.
Đối với chị Rơ Châm A Lui (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah) thì làm cô đỡ thôn làng là quyết định không có gì phải hối tiếc. Chị A Lui kể, trước đây ở làng, chuyện phụ nữ sinh đẻ tại nhà là bình thường. Nhiều người sinh thành công nhưng cũng có ca sinh khó khiến cả mẹ và con đều tử vong. “Từ đó, mình quyết định phải làm gì đó để giúp dân làng. Năm 2005, mình đi học lớp cô đỡ thôn làng và theo nghề từ đó đến nay. Dù không có lương nhưng vẫn vui vì công việc có ý nghĩa, giúp đỡ được mọi người”-chị A Lui chia sẻ.
Có thâm niên làm bà đỡ gần 30 năm nay, bà Siu Khang (61 tuổi, Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang) đã đỡ đẻ thành công cho hàng trăm sản phụ. Bà Khang kể lại: “Ngày 3-7 vừa rồi, tôi đỡ đẻ 1 ca tại nhà mẹ tròn con vuông. Năm 2018, tôi đỡ thành công 12 ca”. Theo bà Khang, ngày trước hầu như 10 ca thì hết 9 ca sinh tại nhà, nhưng nay tình trạng này đã giảm nhiều nhờ công tác tuyên truyền, vận động. 
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, năm 1997, bắt nguồn từ sáng kiến của GS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện này đã đào tạo thí điểm cô đỡ thôn làng cho 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, sau đó phát triển thành chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn làng người dân tộc thiểu số. Tại Gia Lai, lớp đào tạo đầu tiên được triển khai từ năm 1998; thời gian đào tạo từ 3 đến 6 tháng. Với phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc”, tập trung đào tạo kỹ năng thực hành, đến nay, toàn tỉnh đã có 213 cô đỡ thôn làng được đào tạo, trong số này có 103 người được đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ. Theo thống kê, trong 5 năm (2014-2018) đã có 1.672 sản phụ sinh tại nhà và 1.596 phụ nữ sinh tại cơ sở y tế được cô đỡ thôn làng hỗ trợ; 5.750 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn làng giới thiệu đến cơ sở y tế; có 205 cuộc đẻ rơi được cô đỡ thôn làng trợ giúp.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm