Ngày 13-7, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về kế hoạch hóa gia đình đang diễn ra tại London (Anh) đã đánh giá cao sự hưởng ứng của các nước châu Á-Thái Bình Dương đối với chiến dịch toàn cầu được Liên hợp quốc phát động, nhằm phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Các bà mẹ trẻ ở Philippines hào hứng tham gia một buổi sinh hoạt về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản. |
Tổng Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Babatunde Osotimehin, nhấn mạnh tăng cường hiệu quả của kế hoạch hóa gia đình và coi đó là nhân tố hàng đầu trong hệ thống y tế quốc gia là sự đầu tư hiệu quả nhất và thông minh nhất mà các nước cần thúc đẩy.
Theo số liệu của UNFPA, 38% trong tổng số trường hợp mang thai ở châu Á là ngoài dự kiến và số trường hợp phá thai chiếm tới 21%. Thực tế này cho thấy việc thực hiện các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ở châu Á chưa thực sự mang lại hiệu quả. Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng ở 20% dân số nghèo nhất châu Á cao gấp đôi so với nhu cầu này ở 20% dân số giàu nhất.
Ở nhiều nước châu Á, nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất ở thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24. Hơn 60% số phụ nữ có gia đình ở Nam Á không được tiếp cận các phương tiện tránh thai hiện đại.
Chiến dịch toàn cầu về phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình là sáng kiến lớn của Liên hợp quốc. Hiện đã có 260 triệu phụ nữ ở các nước nghèo nhất được sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, và dự kiến hơn 120 triệu phụ nữ khác sẽ được hưởng các dịch vụ trên vào năm 2020.
Liên hợp quốc nhấn mạnh kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo sức khỏe bà mẹ và ngăn chặn HIV/AIDS cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục là nhân tố then chốt của các dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Việc đáp ứng nhu cầu tránh thai của phụ nữ ở các nước đang phát triển có thể giảm 1/3 tỷ lệ tử vong của các bà mẹ trên toàn cầu.
Theo TTXVN