Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Chạy đua với thời gian ứng phó bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quảng Ninh và Hải Phòng đang thực hiện các hoạt động phòng chống bão số 3, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản.

Ngay sau khi có thông tin siêu bão YAGI (bão số 3) khả năng đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An,công tác ứng phó, chủ động phòng chống bão được Quảng Ninh và Hải Phòng thực hiện khẩn trương, quyết liệt từ các huyện đảo đến đất liền. Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, lãnh đạo hai địa phương đã chỉ đạo các sở, ngành và lực lượng công an, quân đội xuống kiểm tra, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão an toàn.

Các lực lượng hỗ trợ người dân trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chằng chống nhà cửa. (Ảnh QUANG THỌ)

Tại Hải Phòng và Quảng Ninh - hai địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, các hoạt động phòng chống bão diễn ra hết sức khẩn trương, quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Quảng Ninh thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”

Tại huyện Cô Tô lúc 10 giờ sáng 6/9, chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng quân sự, công an, biên phòng kiểm tra tình hình phòng chống bão ở các thôn, khu; huy động lực lượng chằng, chống nhà cửa cho người dân, kiểm tra các nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân.

Theo lãnh đạo huyện, để bảo đảm an toàn cho người dân, huyện Cô Tô ban hành Lệnh giới nghiêm tại các địa phương cấp xã. Thời gian giới nghiêm từ 20 giờ ngày 6/9 cho đến khi bão tan. Huyện Cô Tô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng chống bão theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án phòng chống bão và di chuyển người dân tới nơi an toàn.

Tính đến 10 giờ ngày 6/9, huyện Vân Đồn có gần 1.800 phương tiện thủy, tàu cá về nơi tránh trú an toàn; 618 bè trông coi thủy sản, bè dịch vụ và tàu xi-măng được gia cố, chằng chống; 508 người đang làm việc dưới biển được di dời lên bờ... Huyện cũng chuẩn bị sẵn sàng vật tư tại kho dự trữ Ban Chỉ huy Quân sự huyện để phòng chống bão và bố trí lực lượng dân quân tại chỗ của ban chỉ huy quân sự tại 12 xã, thị trấn và người dân sẵn sàng ứng phó bão...

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Đặng Thành, tính đến 14 giờ ngày 6/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức tái lập ca trực đối với 21/21 trạm biến áp 110kV không người trực vận hành tại chỗ; bố trí đầy đủ nhân lực trực xử lý sự cố lưới điện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ chia cắt bởi nước lũ, sạt lở đất gián đoạn giao thông và tại các xã, đảo… Tại một số điểm xung yếu, công ty đã kiểm tra hiện trường, họp đánh giá và đưa ra các phương án phòng chống mưa bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão.

Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huy động gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ứng trực tại các địa bàn được phân công.

Lực lượng chức năng đã kêu gọi gần 5.600 tàu thuyền về các khu vực neo đậu tránh trú bão. Gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với gần 3.000 lao động thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ ngày 4/9. Các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các tuyến giao thông cũng được triển khai... Ngay trong ngày 6/9, tỉnh Quảng Ninh cử nhiều đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách đến các địa phương chỉ đạo phòng chống bão.

Kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc triển khai các phương án ứng phó bão, nhất là đối với việc di dời tàu thuyền, lao động trên các lồng bè trên biển lên bờ trước 16 giờ ngày 6/9. Các địa phương phải thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đối với từng vị trí lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển; cương quyết cưỡng chế di dời đối với các trường hợp không di dời; tuyệt đối không để người dân, lao động ở lại trên các lồng bè khi bão đổ bộ.

Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão; tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của bão số 3 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão bảo đảm an toàn; chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu (đê kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản...), vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không bảo đảm an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”.

Hải Phòng chống bão quyết liệt, không chủ quan

Ngay trong sáng 6/9, các đoàn công tác do lãnh đạo thành phố Hải Phòng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại các địa phương cơ sở. Tất cả cuộc họp không cấp thiết của thành phố và các địa phương, đơn vị được tạm dừng. Cả hệ thống chính trị của thành phố Cảng dồn sức chống bão.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các quận Dương Kinh, Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá lãnh đạo các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan đã vào cuộc quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Qua thực tế cho thấy, tất cả các công việc, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa bàn, từng cá nhân trong phòng, chống bão đều được phân công rõ ràng và có sự phối hợp tích cực giữa các lực lượng, sát với thực tiễn ở từng địa bàn, trên tinh thần không chủ quan trước bão số 3.

Tại huyện đảo Cát Hải, đến chiều 6/9, công tác chuẩn bị phòng chống bão đã cơ bản hoàn tất. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh, toàn bộ 846 phương tiện tàu thuyền, cùng 123 bè nuôi thủy sản đã di dời vào nơi tránh trú, chằng buộc an toàn, toàn bộ số người trên các phương tiện, bè nuôi đã di chuyển lên bờ. Huyện đang khẩn trương di dời các hộ dân ở nơi trũng thấp, nguy hiểm đến nơi an toàn và sẽ hoàn thành trong chiều 6/9.

Từ trưa 6/9, Hải Phòng thực hiện lệnh cấm biển. Tại đảo Cát Bà, hiện còn 181 khách du lịch đang lưu trú, trong đó có 104 khách quốc tế còn ở lại đảo. Chính quyền huyện Cát Hải vận động và được các chủ khách sạn, nhà nghỉ đồng thuận giảm 50% tiền lưu trú trong thời gian này.

Tại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ - nơi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão số 3 cũng đã cơ bản hoàn tất công tác phòng chống bão. Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ phối hợp Trạm Ra-đa 490 nắm chắc các phương tiện đang hoạt động trên biển, phối hợp chính quyền huyện đảo thông báo kịp thời cho thuyền trưởng tàu thuyền về diễn biến của bão, chủ động di chuyển, vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và phương tiện. 120 tàu thuyền trên biển Bạch Long Vĩ đã di chuyển về đất liền tránh trú; 92 phương tiện nhỏ được cẩu, kéo lên bờ và được chằng buộc, cố định. Toàn bộ ngư dân trên các tàu thuyền cũng được tránh trú tại trụ sở đồn biên phòng, trụ sở chính quyền huyện và trường học ngay trong chiều 6/9.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Thành phố quyết liệt chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị. Đối với các địa phương không bố trí được chỗ tạm tránh bão cho người dân, thành phố sẽ sử dụng toàn bộ 600 căn nhà trong quỹ nhà ở của thành phố còn trống để bố trí với mục tiêu cao nhất bảo đảm an toàn về người và tài sản của người dân.

Theo NGHĨA DŨNG THỌ (NDO)

Có thể bạn quan tâm