(GLO)- Cuối tuần qua, ngay trước cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2017, nhiều tờ báo mạng giật tít: “16 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đang ở đâu?”. Và câu trả lời là, 15/16 người đang học tập và làm việc tại Úc. Người duy nhất sau khi học ở Úc chọn trở về Việt Nam là Lương Phương Thảo (vô địch mùa thứ 3) nhưng lại đang làm việc cho một công ty quảng cáo của… Mỹ. Chẳng biết có phải vì quá ngao ngán trước thông tin này hay không mà sau khi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2017 kết thúc, một đồng nghiệp của tôi đã cảm thán đầy xót xa trên facebook: “Mừng Úc có thêm nhân tài…”.
Chuyện các quán quân Đường lên đỉnh Olympia “một đi không trở lại” có thể khiến ai đó bất ngờ nhưng thực ra không có gì lạ bởi đây là lựa chọn của số đông sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam khi ra nước ngoài học tập những năm qua. Trong số này có cả anh bạn thời phổ thông của tôi. Cách đây vài năm, sau khi học xong thạc sĩ trong nước, anh sang Đài Loan làm nghiên cứu sinh rồi quyết định không quay về. Anh cho biết, rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đài Loan sau khi học xong cũng đều chọn ở lại đây hoặc sang nước khác làm việc. Những người trở về, nếu không phải vì đã có vị trí công việc tốt thì chỉ bởi lý do gia đình hoặc không đủ sức cạnh tranh ở nước ngoài. Hiếm hoi mới có người trở về vì mong muốn được cống hiến cho đất nước.
Lý giải về lựa chọn của những người như mình, anh bạn tôi bảo, thực tế không phải tất cả đều không muốn trở về Việt Nam. Nhiều người quyết định ở lại nước ngoài làm việc thêm vài năm chỉ là để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên, cũng có không ít người thực sự không thể trở về vì những ngành họ theo học hiện trong nước chưa cần đến, nếu về thì sợ uổng phí chuyên môn được đào tạo bao năm. Bên cạnh đó, sống ở nước ngoài lâu năm cũng quen, môi trường làm việc lại thuận lợi, thu nhập ổn định nên nhiều người ngại quay về. Họ sợ về nước không xin được việc, hoặc xin được việc nhưng môi trường làm việc không thuận lợi dẫn đến thui chột khả năng, dễ rơi vào cảnh “sáng cắp ô đi, tối vác về”, chưa kể thu nhập còn không đủ sống. Ngoài ra, còn có một lý do đặc biệt quan trọng là họ lo không thể quen được với cái gọi là “quy trình” ở một số cơ quan nhà nước hiện nay, khi việc đánh giá con người không dựa trên năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc mà dựa vào “quan hệ”...
Những nguyên nhân trên thực sự không phải là điều mới mẻ mà đã được nhắc đến từ rất lâu. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này trở về phục vụ đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay vẫn đang còn nhiều bất cập. Hệ quả là nước ta vẫn đang từng ngày đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” đáng lo ngại. Trong một cuộc khảo sát do VTV thực hiện năm 2016 với 500 du học sinh, giảng viên, nhà khoa học trẻ người Việt ở khắp nơi trên thế giới, có đến 86% khẳng định điều kiện tiên quyết để họ về nước là phải có một môi trường làm việc thuận lợi. Điều này được ngầm hiểu là môi trường làm việc trong nước hiện nay vẫn đang thiếu sức hấp dẫn với họ.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016, cả nước có khoảng 130.000 du học sinh. Nếu tất cả, hoặc một phần lớn trong số họ trở về Việt Nam sau khi học xong, đây rõ ràng là một nguồn lực hết sức có giá trị để xây dựng đất nước. Nhưng để họ trở về, thiết nghĩ, cần phải có những cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng phù hợp, hiệu quả. Bằng không, chúng ta chỉ biết ngậm ngùi nhìn họ đem trí tuệ phục vụ những nước khác như trường hợp các quán quân Đường lên đỉnh Olympia.
Vĩnh Phúc