Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi hơn 8.000 ha rừng tự nhiên sang trồng cao su, thu hơn 38.500 m3 gỗ các loại và 25.550 ster củi. Sau khi bán đấu giá, tổng số tiền thu được hơn 47,5 tỉ đồng. Thế nhưng đến ngày 30-12-2009 các doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn còn nợ hơn 12,714 tỉ đồng không biết đến khi nào thanh toán.
Đầu năm 2008, tỉnh giao hơn 50.000 ha rừng tự nhiên cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để khảo sát, chuyển đổi sang trồng cao su. Đồng thời với việc bàn giao đất cho doanh nghiệp, ngày 8-5-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định kèm theo quy chế tận thu gỗ và lâm sản trên diện tích rừng chuyển đổi. Theo quy chế ban đầu các đối tượng được tham gia đấu giá mua gỗ là doanh nghiệp trong tỉnh có chức năng chế biến, có xưởng chế biến, nộp ngân sách trong lĩnh vực chế biến gỗ từ 500 triệu đồng trở lên, sau khi trúng đấu giá, nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá vào ngân sách không quá 7 ngày kể từ ngày trúng đấu giá. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân số lượng diện tích rừng tự nhiên nghèo chuyển sang trồng cao su ở tỉnh ta năm 2008 chỉ thực hiện được hơn 8.000 ha, các nhà chế biến lớn không mặn mà với gỗ tạp nham nên UBND tỉnh thay đổi quy chế, không còn doanh nghiệp trong tỉnh ngoài tỉnh, không buộc phải chứng minh số tiền nộp ngân sách và thời gian đóng tiền sau khi mua gỗ là 15 ngày thay vì 7 ngày như ban đầu.
Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên chuyển đổi sang trồng cao su. Ảnh: Huỳnh Kiên |
Quy chế đã ban hành, lẽ ra chủ rừng và các doanh nghiệp có nhu cầu mua gỗ cứ theo đó mà chấp hành. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp mua gỗ quá thời hạn 15 ngày không nộp tiền vẫn bình chân như vại, không bị hủy kết quả đấu thầu để đấu thầu lại, khiến cho nhiều người thấy vậy tìm cách chiếm dụng vốn hoặc chây ỳ không chịu nộp tiền, mặc dù trong hợp đồng kinh tế ký kết giữa các ban quản lý rừng (đơn vị bán gỗ) và các doanh nghiệp (đơn vị mua gỗ) đã cam kết rõ ràng.
Sau khi nhiều doanh nghiệp đấu giá nhưng không nộp tiền như hợp đồng đã ký, không rõ vì lý do gì, ngày 9-4-2009 Liên sở Tài chính và Nông nghiệp và PTNT ký Công văn số 364 đề xuất giải pháp theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp còn nợ tiền mua gỗ. Ngày 10-4-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 980 “Cho phép các đơn vị trúng đấu giá các gói thầu (lô gỗ) tận thu trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cao su năm 2008 được giãn nợ đến ngày 30-9-2009”. Tổng số tiền các doanh nghiệp trúng đấu giá còn nợ là hơn 13 tỉ đồng, trong đó: Công ty TNHH một thành viên Minh Thành (TP. Pleiku) do ông Nguyễn Tất Minh làm Giám đốc nợ 4.946,3 triệu đồng; Xí nghiệp Kinh doanh Tổng hợp Đức Thiện (tỉnh Kon Tum) do ông Nguyễn Đức Hùng làm Giám đốc nợ 1.822,6 triệu đồng; Công ty TNHH Đức Thịnh (thị xã An Khê) do ông Nguyễn Duy Cúc làm Giám đốc nợ hơn 1.625,8 triệu đồng... Đến ngày 30-9-2009, các doanh nghiệp trên vẫn không trả được nợ. Ngày 24-11-2009, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn nợ đến 25-12-2009. Tuy nhiên theo thống kê của Sở Tài chính từ ngày 30-9 đến 25-12 trong số hơn 13 tỉ đồng, các doanh nghiệp trên trả nợ 625,7 triệu đồng, tổng số nợ đến 30-12-2009 còn 12,7 tỉ đồng.
Ngày 14-1-2010, trước áp lực đòi khởi kiện của các ban quản lý rừng, các doanh nghiệp nợ nần có trả một số ít như: Công ty TNHH một thành viên Minh Thành trả cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr được 300 triệu đồng, còn nợ hơn 4,6 tỉ đồng. Ông Trần Văn Lạc- Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr cho biết đã 8 lần gửi giấy thông báo đòi nợ nhưng Minh Thành vẫn không trả đủ.
Trong khi đó ông Nguyễn Tất Minh lại tiếp tục làm đơn gởi UBND tỉnh đề nghị cho doanh nghiệp giãn nợ đến 30-4-2010 và xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp này bằng nhiều chính sách khác như cho phép sơ chế tại chỗ lượng gỗ tồn trong rừng là 1.200 m3 gỗ, xem xét giảm giá cho doanh nghiệp số tiền đã trúng đấu giá nhưng cao. Xí nghiệp Kinh doanh Tổng hợp Đức Thiện cũng xin được gia hạn trả nợ đến 30-3-2010 và xem xét giảm giá cho lô gỗ còn tồn tại rừng là 700 m3. Riêng Công ty TNHH Đức Thịnh, do lượng gỗ còn trong rừng lớn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ cho rằng nếu từ nay đến Tết Canh Dần doanh nghiệp không trả, họ sẽ nộp đơn khởi kiện ra tòa kinh tế và số gỗ còn lại sẽ bán đủ trả tiền nợ ngân sách.
Nếu các Ban Quản lý Rừng phòng hộ thực hiện đúng quy chế bán đấu giá, có lẽ sự việc đã không phức tạp như hiện nay.
Huỳnh Kiên