Kinh tế

Chỉ tập trung ở vùng có điều kiện thuận lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các khâu làm đất, vận chuyển đã được cơ giới hóa 100%, các khâu tưới nước, sấy, xay xát và bảo quản... mức độ cơ giới hóa cũng tăng so với trước. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nhìn chung chỉ mới tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi...

Gia Lai là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày, cây lương thực và chăn nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, việc cơ giới hóa sản xuất được áp dụng rộng rãi từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến và bảo quản. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, khoảng 50% đề tài nghiên cứu khoa học thời gian qua đều liên quan đến nông nghiệp, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nội dung nghiên cứu là các loại giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu quy trình chăm sóc, kỹ thuật chăm sóc, phòng-chống dịch bệnh trong chăn nuôi nghiên cứu thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đối với các mặt hàng nông sản.

 

Thu hoạch lúa. Ảnh: A.K

Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt là lĩnh vực tiên phong ứng dụng KHCN vào sản xuất  từ nhiều năm qua và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, rõ ràng nhất. Khoa học công nghệ đã cung cấp những luận cứ bổ sung, hoàn thiện và làm chủ nhiều quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực nhân giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản, từng bước tạo sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ bảo quản, chế biến nông-lâm sản cũng đang từng bước được đầu tư mở rộng, làm tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông-lâm nghiệp. Các công nghệ chế biến cà phê, hồ tiêu, chè, tinh bột mì, công nghệ sấy bảo quản, sơ chế... được áp dụng tối ưu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng hóa nông-lâm sản.

Tuy vậy, trên thực tế việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản xuất manh mún, không đồng loạt và chủ yếu ở hình thức hộ gia đình, gây khó khăn cho việc vận hành máy móc. Một số khâu có mức độ áp dụng cơ giới hóa thấp. Thất thoát trong khâu sấy hạt, nhất là đối với cây lúa hiện đang ở mức cao. Khâu phơi sấy chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời và tận dụng cả mặt đường giao thông nông thôn để phơi lúa...

Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, cơ giới hóa trong tưới nước cho cây công nghiệp dài ngày được áp dụng rất ít. Trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai áp dụng công nghệ này vào trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Một số địa phương không thể áp dụng các tiến bộ khoa học đã được nghiên cứu vào sản xuất vì thiếu kinh phí thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Hà-Giám đốc Sở KHCN Gia Lai, cho biết: Điều quan trọng để ứng dụng KHCN vào sản xuất là bố trí nguồn kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện. Mặt khác, phải hình thành các cánh đồng mẫu lớn, hạ giá thành nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

 

 

Để ứng dụng KHCN hiệu quả, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, quan tâm nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Phải giải được bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phải tính đến mô hình tổ chức sản xuất liên kết, đầu tư có tiêu chí cụ thể và giải pháp đồng bộ để có được sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Theo ông Hà, rất cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Bước đột phá là thay đổi tư duy sản xuất và tư duy quản lý, hướng sản xuất tập trung vào cái thị trường cần và nâng cao giá trị gia tăng. Như thế mới hy vọng nền nông nghiệp của tỉnh khởi sắc và phát triển bền vững.

Trên thực tế, hoạt động nông nghiệp công nghệ cao hiện nay tại tỉnh ta chưa có, do đầu tư chưa tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thiếu hấp dẫn; việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp. Theo đó, cơ quan chức năng liên quan cần hướng dẫn để nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt để việc cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong các khâu của hoạt động nông nghiệp, điều kiện quan trọng là nguồn nhân lực có kỹ năng.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm