Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chìa khóa xóa nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách, đầu tư trồng hoa, cây cảnh trên chậu ứng phó với thời tiết bất thường do tác động bởi biến đổi khí hậu, nhiều làng quê tại Thừa Thiên- Huế đã tìm ra chìa khóa xóa nghèo bền vững. Trong khi, nông dân phường Thủy Biều, TP Huế lại phất lên nhờ mô hình trồng cây ăn quả trên chậu vừa chơi, vừa kinh doanh.

Làng quê đổi đời

Chúng tôi về Điền Hòa- một xã thuần nông nằm bên phá Tam Giang thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ngoài cây lúa, 100% hộ dân nơi đây còn có thu nhập từ nghề trồng mai vàng. Đây cũng là địa phương duy nhất tại Thừa Thiên- Huế có câu lạc bộ mai cảnh và tổ chức hội hoa mai hàng năm. Đồng thời, nổi danh tại miền Trung với hàng chục tỷ phú nông dân phất lên nhờ nghề trồng mai vàng và cây cảnh trên chậu. Ông Võ Sĩ Đài, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Điền Hòa, hồ hởi: Nhờ những chậu cây cảnh, trong đó chủ yếu là cây mai trồng trên chậu khiến bộ mặt nông thôn ở Điền Hòa thay đổi diệu kỳ. Những ngôi nhà kiểu “biệt thự mi ni”, những chiếc ô tô chạy trên đường giao thông nông thôn bóng loáng và những nông dân làng mai thanh lịch, điềm đạm.

Bà Võ Thị Túy Lệ (TP. Huế) bên cụm gừng xanh tốt trồng trong bao xi măng. Ảnh: Bùi Oanh
Bà Võ Thị Túy Lệ (TP. Huế) bên cụm gừng xanh tốt trồng trong bao xi măng. Ảnh: Bùi Oanh

Trên đường về trung tâm xã Điền Hòa, nhiều người trầm trồ thán phục vườn mai của ông Đặng Văn Lợi. Trong số 350 gốc mai lâu năm của ông, có hơn 100 gốc trên 30 tuổi, mỗi chậu mai trong vườn nhà ông có giá từ 15 đến 60 triệu đồng. Cách đây vài năm, chuyện ông Lợi đem 4 chậu mai đổi lấy chiếc ô tô trị giá hơn 600 triệu đồng của một đại gia ở thành phố Hồ Chí Minh, gây chấn động khắp vùng. Vào năm 2000, vợ chồng ông xây căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng cũng gây “sốc” cả huyện Phong Điền. Nổi tiếng vậy, nhưng nếu khách lạ mới đến, nhìn ông mặc đồ lao động, cặm cụi tỉa cành, bắt sâu ngoài vườn mai, không mấy ai nghĩ ông là tỷ phú. Ông Lợi kể: “Hơn mười năm trước, vợ chồng tui làm 10 sào ruộng nuôi 6 đứa con ăn học… muốn đứt hơi. Năm 1995, Ngân hàng chính sách xã hội có chủ trương cho nông dân vay vốn xóa nghèo. Vợ chồng tui quyết định vay 15 triệu đồng, đầu tư chậu và giống cây lập vườn cây cảnh. Những chậu mai trong vườn bắt đầu khoe sắc, kinh tế gia đình tui theo đó dần khấm khá. Bây giờ trong số 6 đứa con, 3 đứa vào lập nghiệp ở tại TP Huế, 2 ở Đà Nẵng, 1 chuẩn bị vào đại học”- Ông Lợi tự hào.

Bà Võ Thị Túy Lệ (TP. Huế) bên cây cóc Thái Lan trồng trên chậu một năm đã sum suê trái. Ảnh: Bùi Oanh
Bà Võ Thị Túy Lệ (TP. Huế) bên cây cóc Thái Lan trồng trên chậu một năm đã sum suê trái. Ảnh: Bùi Oanh

Không riêng Điền Hòa, nhiều làng quê tại Thừa Thiên-Huế như Thủy Dương, Kim Long, Phú Mậu… cũng vươn lên thoát nghèo nhờ trồng hoa và cây cảnh. Người dân các làng quê này đều có chung phương pháp sản xuất kinh doanh là trồng cây trên chậu. Nguyên nhân, thời tiết tại Thừa Thiên- Huế mấy năm gần đây thay đổi bất thường do tác động bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, trồng cây tại vườn truyền thống thì chỉ sau một trận mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về, thủy triều dâng cao làm ngập úng chết sạch. Trong khi, trồng cây trên chậu, thời tiết nắng nóng kéo dài thì di chuyển, sếp chậu cây lại gần nhau cho diện tích thu hẹp, rồi dùng bạt che chắn rất tiện. Ngược lại, thời tiết xảy ra lũ lụt thì di chuyển các chậu cây từ thấp lên chỗ cao ráo. Đặc biệt, cây trồng trên chậu thuận lợi hơn với việc chăm sóc và bón phân theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.     

Hoa thơm, quả ngọt

Mưa dầm dề cả tháng trời cộng cái lạnh thấu da thịt khiến phần đa cây trồng tại TP. Huế và các huyện vùng ven chết úng hoặc trơ càng, trụi lá. Vậy mà, khu vườn rộng hơn 500m2 với hàng ngàn chậu cây ăn quả các loại do bà Võ Thị Túy Lệ (65 tuổi), khu 5 phường Thủy Biều chăm sóc vẫn xanh mướt, hoa trái sum suê. Ý tưởng tạo khu vườn độc đáo này xuất phát sau nhiều năm bà Lệ đam mê học hỏi kiến thức trồng, chăm sóc cây ăn quả của người làm vườn miền Tây. Bà Lệ tuyển chọn các loại giống cây ăn quả trong và ngoài nước mang về trồng trên chậu đặt ngay trong khuôn viên vườn nhà rồi mở lớp truyền dạy kiến thức đã học được cho các hội viên Hội Nông dân phường Thủy Biều. Qua đó, giúp bà con đa dạng giống cây trồng, thích nghi với thời tiết diễn biến bất thường do tác động bởi biến đổi khí hậu.

Bên cây cóc Thái Lan trữu quả, bà Võ Thị Túy Lệ, tâm sự: “Cũng chưa có gì đáng kể, nên tôi cũng không dám kết luận thành hay bại. Chỉ biết rằng, những loài cây ăn quả lấy giống từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp… mà tui trồng trên chậu đều cho hoa thơm, quả ngọt”. Ưu điểm cây ăn quả trồng trên chậu? Bà Lệ thật thà: trồng cây ăn quả trên chậu lâu nay thường do các nghệ nhân làm, chủ yếu là để trang hoàng nhà cửa cho đẹp. Nhưng thực tế, nhiều giống cây ăn trái như cóc Thái, khế ngọt, me, ổi, táo… trồng trên chậu phát triển tốt và đơm hoa kết trái sum suê hơn so với trồng tại vườn. Cây ăn quả chiết cành và ghép gốc, rễ thường ăn nông, không phát triển như cây gieo hạt nên có thể khống chế trồng được trên chậu. Đặc biệt, cây trồng trên chậu đơm hoa kết trái sớm (Cây khế trồng trên chậu, một năm sau sẽ đơm hoa kết trái. Trong khi trồng tại vườn mất từ 2-3 năm mới ra trái- PV) và hoa quả ra quanh năm, chất lượng thơm ngon hơn. Trồng cây trên chậu không khó, thuận lợi di chuyển tránh nắng nóng hoặc mưa lớn. Nhưng để cây đơm hoa kết trái theo ý muốn, ngoài việc tuyển chọn cây thân thấp chiết cành làm giống, người làm vườn phải chọn thời điểm xuống giống thích hợp và sử dụng phân chuồng, hạn chế phân đạm hóa học.

Lê Bá Bảo- tỷ phú tuổi “teen” từ việc trồng và chăm sóc hàng trăm chậu mai thế tại Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Lê Bá Bảo- tỷ phú tuổi “teen” từ việc trồng và chăm sóc hàng trăm chậu mai thế tại Thừa Thiên- Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Bà Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều cho biết, cùng với việc hướng dẫn bà con trong Phường phương pháp trồng cây ăn quả trên chậu, mới đây, bà Võ Thị Túy Lệ còn phổ biến cho bà con cách trồng gừng trong bao xi măng. Cụ thể, gừng giống mua về cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn chọn những mắt mầm khỏe đem ủ bằng vỏ trấu mục 15 ngày để gừng nảy mầm. Bao xi măng trước khi trồng gừng phải vệ sinh sạch sẽ, cắt đôi theo chiều ngang, lấy phần đáy bao, đục 5-6 lỗ nhỏ thoát nước. Tiếp đó, rải lớp vỏ trấu dày 10cm dưới đáy bao, đặt gừng giống nảy mầm vào trong và phủ trên bề mặt lớp đất pha với tỷ lệ 70% đất màu, 30% phân chuồng và một ít phân vô cơ. Hai tháng sau, thân cây phát triển khoảng 20cm, tiếp tục bón thúc bằng phân vi sinh và phân kali… Gừng là loài cây ưu ánh sáng vừa phải nên có thể đặt các bao xi măng trồng gừng dưới tán cây xanh hay dàn mướp. Một mét vuông đất có thể đặt khoảng 10 bao xi măng trồng gừng, căn cứ vào nền nhiệt cao thấp để tưới nước hoặc che chắn cho phù hợp như các loài cây trồng khác…

Bà Tôn Nữ Quỳnh Tương tính toán, chi phí trồng cụm gừng trong bao xi măng từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng hết 5.000đ/bao. Trồng gừng trong bao chỉ tốn 1/10 công chăm sóc so với trồng gừng tại khu vực gò đồi. Trong khi, một cụm gừng trồng trong bao cho năng suất 1-1,5kg (một cụm gừng trồng trên một mét vuông đất khu vực gò đồi thường cho năng suất 0,5-0,8kg/cụm). Chất lượng gừng củ tương đương với giá bán trên thị trường 50.000đ/kg. Đây là mô hình mới mà hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Địa phương đã liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề nghị hỗ trợ thêm về kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, tìm thị trường đầu ra ổn định khi bà con nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích theo mô hình trồng gừng trong bao xi măng của hội viên Võ Thị Túy Lệ.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm