(GLO)- Tình cờ bắt gặp hình ảnh một cựu binh già, đầu đội mũ cối, ngực áo đeo đầy huân-huy chương đi trên chiếc xe đạp Liên Xô cũ… làm tôi sững lại trong vài giây. Hình ảnh ấy dường như trở nên lạc lõng giữa dòng xe cộ ngược xuôi trên đường, nhưng gợi nhắc điều gì xa lắm mà thế hệ chúng tôi chỉ còn được thấy trên phim ảnh, tư liệu.
Ngôi nhà của cựu binh Trần Minh Châu nằm ngay dưới chân cầu 23 trên tuyến quốc lộ 19, đoạn qua thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ). Trở về từ hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, vật giá trị duy nhất của người lính đó là chiếc xe đạp Liên Xô được Nhà nước tặng thưởng năm 1960. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chiếc xe đã trở thành kỷ vật đặc biệt.
Hàng ngày ông vẫn kiểm tra, “chăm sóc” chiếc xe như một kỷ vật đặc biệt. Ảnh: Hoàng Ngọc |
“Nó đã đi cùng tôi suốt chiều dài lịch sử đất nước, chứng kiến bao chuyện đời, chuyện người”-ông nhắc đến chiếc xe một cách trìu mến. Đã 54 năm trôi qua, đời xe cũng gần bằng đời người, nhưng vẫn được chủ nhân gìn giữ gần như nguyên vẹn hình hài chiếc xe đạp Liên Xô mẫu mực: biển số, chuông, phanh… Ông nói, nó còn có đèn chiếu sáng và có tới 4 cái líp, nhưng ông tháo bớt để đi cho nhẹ hơn. Đèn xe hư từ lâu nhưng đó là “hàng hiếm” nên không nơi nào có thể sửa chữa hay tìm đồ thay thế. Hỏi ông cơ duyên với chiếc xe đạp Favorit của Liên Xô-vốn không chỉ là phương tiện thông thường, mà còn là một vật vô cùng có giá trị trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh. ông kể: “Những người lính phải trải qua nhiều cuộc bình xét mới vinh dự nhận được món quà quý giá này. Cảm xúc thật khó tả! Kèm theo xe còn có cả giấy tờ, một ống bơm sử dụng riêng cho xe đạp Liên Xô, một túi phụ tùng, một cái yên “sơ cua” như yên xe đua. Đến giờ tôi vẫn còn giữ giấy tờ xe, trong đó có giấy đăng ký biển số do Công an huyện Thanh Sơn-tỉnh Phú Thọ cấp năm 1960”.
Những năm 60 thế kỷ XX, được tặng chiếc xe đạp là vật có giá trị lớn lắm, ông Châu cho biết. Lương của ông khi ấy chỉ 64 đồng một tháng, mãi sau này tăng lên được 73 đồng, nhưng chiếc xe đã có giá khoảng 1.000 đồng. Một người lính có nằm mơ cũng không thể mua được chiếc xe đạp bằng đồng lương ít ỏi. Người có tiền muốn sở hữu chiếc xe đạp Liên Xô cũng không dễ dàng. “Vì nó giá trị quá nên mình cũng khổ vì nó, giữ như giữ sơn. Mỗi lần đi tới đâu phải tìm chỗ mà treo chiếc xe lên cho bằng được vì sợ dựng lâu mòn lốp. Về đến nhà là lau chùi cho sáng bóng rồi treo lên ngắm nghía. Đi dọc đường không may xe thủng săm không tìm được chỗ vá thì vác xe lên vai mà đi, sợ hư săm, hư lốp không có tiền mua. Hoặc có tiền mua được bộ săm lốp Liên Xô thay thế cũng rất khó. Những năm đó, vá một miếng thủng săm mất 2 đồng, xót tiền lắm, vì thế càng phải giữ hung”-ông Châu hóm hỉnh kể.
Tuy “khổ ơi là khổ” để gìn giữ chiếc xe, nhưng đó là phương tiện giúp ích cho ông rất nhiều trong những năm tháng tập kết ở miền Bắc thân yêu. Người lính già bồi hồi: “Vành chiếc xe thuộc cỡ đại 700, trong khi chiếc xe Thống Nhất vành chỉ 650 đã được xem là tuyệt vời lắm rồi. Vành to, đi rất nhẹ, đạt tốc độ khá cao. Thời ấy, nhiều người còn phải đi bộ, mình có xe Liên Xô đi là oai lắm. Tuy nhiên chiếc xe cũng có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Vì thế, chúng tôi luôn phải kiểm tra phanh cẩn thận. Bất cứ ai sở hữu chiếc xe đạp Liên Xô thời ấy cũng thuộc lòng những câu thơ này: “Xe không phanh mời anh đứng lại/Không đứng lại làm hại người ta/Mất tí da đền ba đồng sáu/Mất tí máu đền sáu đồng ba”. Không biết ai sáng tác, nhưng đó là một sự nhắc nhở cẩn thận mỗi khi đi trên đường”.
Chiếc mũ cối được ông giữ lại từ những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp được nhiều người trả giá cao nhưng ông không bán. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ở tuổi 83, người lính già Nguyễn Minh Châu trông vẫn phong độ trên chiếc xe đạp cũ. Đó không chỉ là phương tiện, giúp ông đi lại thuận tiện trong mấy chục năm, nó đã trở thành một kỷ vật đặc biệt. “Bao nhiêu năm nay tôi chỉ đi chiếc xe đạp này, vì nó là kỷ niệm”-ông chia sẻ. Và hình ảnh người cựu binh đầu đội mũ cối, đạp xe khoan thai trên đường đã đánh thức ký ức của những người đã trải qua một thời kỳ lịch sử đất nước.
Chiếc xe đạp Liên Xô ấy không phải là kỷ vật duy nhất người lính còn giữ lại. Ông cho tôi xem chiếc mũ cối đã bạc phếch, sờn cũ nhưng vẫn lành lặn, được giữ lại từ những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp trên mặt trận Tây Nguyên. “Chiếc mũ này có tuổi bằng một đời người rồi đấy. Nó cũ kỹ thế nhưng nhiều người nằng nặc hỏi mua, có người còn trả tới 4 triệu đồng. Chiếc xe đạp thì không biết bao nhiêu người thích. Có lần tôi đạp xe về An Khê thăm con, trên đường đi bị chặn lại mấy lần hỏi mua xe. Nhưng trả giá cao bao nhiêu tôi cũng không bán. Tôi muốn giữ lại vì đó là những kỷ vật chiến tranh, có ý nghĩa đặc biệt, cùng tôi vào sinh ra tử trong bao nhiêu trận đánh. Tôi sẽ để làm kỷ niệm cho con, cho cháu, để chúng biết về lịch sử”-ông chậm rãi nói.
Hoàng Ngọc