Chúng tôi gặp họ giữa chiến dịch chống Covid-19, rất nhiều 'chiến binh áo trắng' tuyến đầu đã giật mình, khi số ngày họ rời xa gia đình đi chống dịch đã ngót nghét 50 ngày đêm không hề ngơi nghỉ... (từ 26.7 - 16.9).
Cùng chia sẻ niềm vui khỏi bệnh Covid-19 với một đồng nghiệp (giữa), cũng là một bác sĩ hồi sức A.Q |
“Hành trình hồi sinh của một bệnh nhân (BN) nguy kịch phải chạy ECMO, nay đã tự thở và 4 lần âm tính liên tục đã xua đi vẻ ảm đạm của một ngày trời u ám. Từ lúc nào thời gian không còn tính bằng ngày đêm, đầu tuần hay cuối tuần, mà tính bằng sự ổn định của những dấu hiệu sinh tồn trên monitor”.
Những dòng nhật ký trên của bác sĩ (BS) Hoàng Hữu Hiếu (Bệnh viện (BV) Đà Nẵng), từ BV Phổi Đà Nẵng, đã thôi thúc chúng tôi đến nơi cách ly điều trị những BN Covid-19 nguy kịch nhất...
Sốc nhiệt, ói trong bộ đồ bảo hộ...
Người đầu tiên chúng tôi gặp trong số những “chiến binh” trải qua cuộc chiến dài với Covid-19 là điều dưỡng Trần Thị Ngọc Tuyết (34 tuổi, Khoa Hồi sức tích cực, BV Đà Nẵng). Chị Tuyết kể ngày đầu bước vào cuộc chiến này, chị và những đồng nghiệp của mình không nghĩ sẽ “chung lưng” chiến đấu suốt 50 ngày đêm không ngơi nghỉ... “Thời gian đầu, điều chúng tôi sợ không phải là âm hay dương mà chính là đồ bảo hộ. Mặc vào là tối tăm mặt mày, không thở nổi. Nhiều người làm việc nặng nhọc như bồng, đỡ BN nên đuối, sốc nhiệt, mất nước. Mồ hôi khiến toàn thân ướt đẫm từ đầu đến chân. Họ chóng mặt, xỉu, thậm chí nôn luôn trong bộ đồ bảo hộ mà không kịp cởi”, chị Tuyết chia sẻ.
Cùng với sự bức bí của đồ bảo hộ, BS Hiếu còn vướng vì những lớp găng tay khi da tay anh liên tục dị ứng, bong tróc: “Thời gian đầu mặc bộ đồ bảo hộ vào, tốc độ phản xạ và tư duy chỉ bằng 1/3 bình thường, thậm chí ban đầu mất hết phản xạ, mất hết suy nghĩ. Đã vậy đeo đến mấy đôi găng cũng là một cản ngại lớn... nhưng rồi chạy theo dịch bệnh, mọi thứ cũng thích nghi hồi nào không hay”.
Nhiều nhân viên y tế gặp khó khăn với những lớp kính, mặt nạ chồng lên nhau khi phải thực hiện các thủ thuật đặt nội khí quản, thực hiện ECMO ô xy hóa màng ngoài cơ thể, lọc máu cho BN thận giai đoạn cuối mắc Covid-19... Bước vào cuộc chiến chống dịch, nhiều người trong số họ hoàn toàn không nghĩ mình bị “cuốn” theo BN Covid-19 cho đến tận bây giờ cũng chưa về nhà, “cũng không nghĩ mình sẽ trở về khi các ca bệnh vẫn còn đó”, nữ BS Trương Thị Ngọc Hiệp (26 tuổi, BV Đà Nẵng), được điều động tăng cường phục vụ BN nguy kịch tại BV Phổi Đà Nẵng, cho biết.
Thể hiện quyết tâm “chiến đến cùng” với dịch Covid-19 |
Trong khi đó, ở BV dã chiến Hòa Vang, một đội quân khác cũng trực chiến chống dịch suốt 50 ngày đêm không nghỉ. BS Hà Sơn Bình (Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Đà Nẵng) cho biết nhiều y BS trong đội tăng cường từ BV Đà Nẵng làm việc trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt, kín mít, không chỉ phục vụ các bước điều trị BN mà còn xắn tay áo cùng các nhân viên y tế tại BV dã chiến Hòa Vang khiêng vác giường, tự kéo máy thở, máy lọc máu... để phục vụ BN trong những ngày đầu. Họ gác lại nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ con nhỏ để quyết sống còn với cuộc chiến này chỉ bởi: “Hơn ai hết, người theo bệnh từ đầu cũng sẽ là người hiểu rõ diễn tiến bệnh nhất. Khi BN cần họ hơn thì họ không thể rời trận địa”, BS Bình tâm tư.
Tinh thần quyết chiến tới cùng
“Cứ nghĩ là chống dịch thôi chứ không có khái niệm thời gian. Rồi cuốn theo các ca bệnh liên tục, cũng không ngờ mình đi đến tận bây giờ”, đó là tâm sự chung của các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19. Với những chiến binh cuối cùng này, những người còn lại sau cuộc chiến 50 ngày đêm hầu như đều muốn chiến đấu tới cùng. Không ai muốn “rút” trước khi BN Covid-19 cuối cùng được ra viện. “Cả đứa con nhỏ xíu của tôi ở nhà nó còn xác định vậy. Khi nào hết dịch mẹ mới về, ai hỏi nó đều nói vậy”, chị Tuyết xúc động khi nhắc đến những đứa con phải xa cách suốt thời gian qua, và tự hào nhờ hậu phương vững chắc nên chị mới có thể yên tâm cùng mọi người chống dịch.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu (Bệnh viện Đà Nẵng) giữa chiến dịch chống Covid-19 |
BS Vũ Hải Yến (39 tuổi, BV Đà Nẵng) được biết đến như là nữ BS kiên cường khi “được cho về cũng không chịu về. Quyết chiến đấu đến cùng vì sinh mệnh của người bệnh”. “BS Yến trực tiếp chăm sóc BN thở máy, lọc máu liên tục cho các BN thận nhân tạo giai đoạn cuối nhiễm Covid-19, dù phải xa con nhỏ lâu ngày. Chúng tôi thấy may mắn vì có những cộng sự kiên cường như họ, đặc biệt là những cộng sự trẻ và giỏi chuyên môn”, BS Bình chia sẻ với chúng tôi từ BV dã chiến Hòa Vang.
Không chỉ kiên cường với công việc, họ còn là nguồn động viên cho những đồng nghiệp không may nhiễm bệnh. “Cứ vài ngày là test Covid-19 một lần. Riết rồi không nhớ đã test bao nhiêu lần nữa. Mấy ngày đầu còn hồi hộp, chờ kết quả, nhưng những lần sau thì chỉ hóng kết quả của đồng nghiệp”, BS Hiệp cho biết. Đồng nghiệp đó là những người anh, người chị “bị thương” giữa cuộc chiến chống Covid-19. Từ nhân viên y tế họ bỗng chốc trở thành BN mang mã số Covid-19, được đưa vào khu điều trị chỉ cách có vài bước chân...
Không ai muốn “rút” trước khi bệnh nhân Covid-19 cuối cùng được ra viện. Cả đứa con nhỏ xíu của tôi ở nhà nó còn xác định vậy. Khi nào hết dịch mẹ mới về, ai hỏi nó đều nói vậy Điều dưỡng Trần Thị Ngọc Tuyết |
“Cứ ngớt ngớt việc, lại tranh thủ chạy sang khu điều trị, đứng bên dưới gọi vọng lên để nghe cho được tiếng nhau để còn động viên nhau... Có cả những điều dưỡng trẻ, vừa sinh con nhỏ, phải cai sữa cho con để đi chăm BN Covid-19, rồi mắc bệnh phải đi điều trị...”, chị Tuyết kể.
Chị tâm sự đứng giữa lằn ranh bệnh tật, càng thương đứt ruột khi thấy các đồng nghiệp “cứ hết âm vài lần lại dương” với các kết quả xét nghiệm, để “vỡ òa” khi nhận tin các đồng nghiệp khỏi bệnh. “Nhìn ngày họ ra viện với dung mạo hốc hác, tóc bạc đi mấy phần, chúng tôi hiểu rằng có lạc quan động viên nhau kiểu gì rồi thì mỗi người cũng phải mạnh mẽ tự chiến đấu với cuộc chiến của riêng mình”, điều dưỡng Tuyết trải lòng.
BS Huỳnh Thị Kim Nga (26 tuổi, BV Đà Nẵng) xác định chắc nịch: “Chuyên môn của mình là hồi sức, thì BN nguy kịch mới cần đến mình bên cạnh. Những lúc như thế này mà phải đứng ngoài cuộc hẳn sẽ rất đau khổ. Chúng tôi sẽ chiến đến cùng dù bản thân đã cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến này”.
Nghẹn ngào phút tiễn đưa âm thầm bệnh nhân Covid-19 tử vong vì bệnh nền |
Phút tiễn đưa âm thầm
Đó chính là điều khốc liệt và ám ảnh các BS trẻ tuyến đầu, dù họ vốn là đội quân hồi sức tích cực và thiện chiến, chuyên đối mặt với áp lực bệnh nặng và sinh tử. “Gần 2 tháng trời chăm sóc, điều trị BN, chúng tôi chính là người thân của họ. Nâng trở người khi họ đau đớn, lau rửa sạch sẽ khi không thể tự chủ vệ sinh, cơ thể lở loét vì các tổn thương... Cả khi họ “ra đi” không có người thân bên cạnh”, điều dưỡng Tuyết cho biết.
Đến hôm nay, BS Nga vẫn nghẹn lòng khi nhắc đến BN 996, một thanh niên 29 tuổi, bị ung thư máu và mắc Covid-19. Khi BN dần rơi vào hôn mê cũng là lúc người em trai, BN 1020 đang điều trị ở khoa bên cạnh linh cảm chẳng lành và gửi thư nhờ các y BS đọc cho anh nghe...
“Điều tôi tiếc nuối nhất là đã không thể đọc thư của em trai cho bạn ấy vào phút bạn ấy ra đi. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ đến 3 chữ đầu tiên “anh Hai ơi” trong lá thư ấy vẫn thấy nghẹn thở. Với chúng tôi, những cuộc ra đi khi không có người thân bên cạnh, không được người thân chăm sóc phút cuối chính là điều khốc liệt nhất ở cuộc chiến này”, BS Nga chia sẻ.
Với cô BS trẻ, hình ảnh những BN Covid-19 “ra đi” chỉ có được 3 “người thân” tiễn đưa thực sự ám ảnh. Đó là 2 y BS từng chăm sóc họ và 1 người đi sau cùng phun sát khuẩn theo từng bước chân đưa tiễn... Trong khi người thân của họ cũng đang điều trị cách đó vài bước chân không thể đến gần tiễn biệt. “Đây có lẽ là nỗi đau đớn, tổn thất hiển hiện rõ rệt nhất, hơn cả sự khốc liệt của dịch Covid-19, khiến những người trong cuộc khó có thể nguôi ngoai”, BS Nga nghẹn lòng.
Theo An Dy (Thanh Niên)