Tin tức

Chín vấn đề nổi cộm của thế giới trong năm 2012

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân Triều Tiên đau buồn trước sự ra đi của Nhà lãnh đạo Kim Jong il.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà Kinh tế" (The Economist) của Anh mới đây đưa ra một số vấn đề có thể định hình chương trình nghị sự quốc tế trong năm 2012 như sau:
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, với các điều kiện kinh tế trong năm 2012 khó khăn hơn ở đa số các nước trên thế giới. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua trong năm 2012 là 3,2%, giảm so với mức 3,8% trong năm 2011. 
Sự suy giảm của các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng toàn cầu, làm suy yếu lòng tin của giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tác động đến đa số thị trường, đặc biệt là khu vực Đông Âu và Bắc Phi cũng như các nước đang nổi ở châu Á.
Thứ hai, "căn bệnh" nợ công của khu vực Eurozone vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu trầm trọng thêm, một số nước có thể phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung này. Khả năng Eurozone tan vỡ là rất thấp, song nguy cơ đó không thể bỏ qua.
Thứ ba, tổn thất của các cuộc nổi dậy ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vẫn rất nghiêm trọng. Bức tranh chính trị của MENA vẫn đang được vẽ lại, song những bất ổn về mặt kinh tế của khu vực này cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2012, đặc biệt là ở Lybia, Ai Cập và Tunisia. Nhiều nền kinh tế vẫn trong điều kiện xấu hơn so với dưới thời chế độ cũ.
Thứ tư, chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, gia tăng áp lực đối với các dịch vụ công cũng như những tranh cãi chính trị gay gắt ở các nước phát triển trong năm 2012.
Thứ năm, các thị trường tài chính có thể sẽ có thêm một năm hỗn loạn, với những quyết định thay đổi vào phút chót của giới đầu tư, cùng với tình trạng bán tháo trên các thị trường trái phiếu châu Âu.
Thứ sáu, giá nguyên liệu sẽ giảm sau 2 năm tăng mạnh, chủ yếu do nhu cầu yếu đi và những cải thiện trong nguồn cung. Động thái này sẽ giúp lạm phát toàn cầu giảm xuống mức 3,2% trong năm 2012.
Thứ bảy, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế do sự chia rẽ bè phái sâu sắc ngăn cản các cuộc tranh luận chính sách nghiêm túc.
Thứ tám là tình hình chính trị tại Triều Tiên sau cái chết của Nhà lãnh đạo Kim Jong il. 
Và cuối cùng là chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm