Chính trị

Tin tức

Chính phủ, Nhà nước báo cáo công tác trước Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chiều 21-3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của các cơ quan Nhà nước. Quốc hội đã nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày và các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Theo báo cáo công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động lập pháp, lĩnh vực tư pháp, hành pháp, quốc phòng-an ninh.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng pháp lệnh và nội dung của một số luật, pháp lệnh, tham gia xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, xã hội và hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước luôn quan tâm đến công tác dân vận, gần gũi lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, tham gia ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát huy mọi khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nghiêm túc thực thi Hiến pháp, pháp luật; nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu làm việc để hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao và đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Chính phủ tăng cường lãnh đạo chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong báo cáo của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 5 năm qua, số doanh nghiệp cả nước tăng hơn 2 lần, số vốn đăng ký tăng gần 6 lần và có khoảng 4.000 hợp tác xã thành lập mới. Đến cuối năm 2010, cả nước có 544.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, vượt mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là 500.000 doanh nghiệp. Giai đoạn 2006-2010, đầu tư của khu vực dân doanh chiếm 34,8% tổng đầu tư xã hội, tạo ra 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, đóng góp 45% GDP cả nước.

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đều hoạt động có hiệu quả. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 tỷ USD, gấp hơn 2,7 lần, tổng vốn thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77% so với mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần tích cực chuyển dịnh cơ cấu kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh. Vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần, giải ngân đạt khoảng 13,8 tỷ USD, vượt 16% so với mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện phải huy động các nguồn lực trong, ngoài nước và phát triển các định chế tài chính nhằm bảo đảm các nhu cầu đầu tư và kinh doanh, Chính phủ luôn quan tâm đảm bảo an ninh tài chính, giữ mức nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia trong giới hạn an toàn và bảo đảm hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm so với nhiều năm trước đây.

Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại trong nước, từng bước khắc phục mất cân đối về cán cân thanh toán, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp có bước phát triển nổi bật, giá trị tăng thêm toàn ngành bình quân 5 năm tăng 3,3%/năm, giá trị sản xuất tăng 4,8%/năm. Giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức khá cao, bình quân khoảng 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,82% năm 2006 xuống còn 4,43% năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,1% năm 2006 xuống 9,45% năm 2010, riêng ở 62 huyện nghèo giảm từ trên 50% xuống còn 38%.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; quản lý điều hành tốt các hoạt động đối ngoại, củng cố và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, các nước đối tác quan trọng; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêm túc nhìn nhận về những hạn chế trong công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành. Đó là việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế còn bất cập; kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ còn chậm.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án thực hiện nhiệm vụ được giao trong điều kiện có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

So với nhiệm kỳ trước, số lượng các loại vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là rất lớn, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không giảm. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp đồng bộ như nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho các thẩm phán, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc kéo dài… các công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng; xây dựng pháp luật; thi hành án hình sự, xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp… toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, toàn ngành tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp; trong đó đặc biệt chú trọng việc quán triệt và thực hiện tốt các văn kiện đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán; khắc phục việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định và vi phạm thời hạn xét xử.

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát Nhân dân 4 năm qua, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Trần Quốc Vượng khẳng định toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu và tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trên tất các cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.

Tỷ lệ xử lý các vụ án tăng cao. Chất lượng truy tố, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Số trường hợp đình chỉ do không phạm tội và tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hàng năm.

Nhận thức cũng như thực tiễn công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án, giam giữ cải tạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp có chuyển biến rõ nét. Công tác điều tra của Viện kiểm sát được tăng cường và hỗ trợ cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Toàn ngành đã tập trung hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, tổ chức và cán bộ; thực hiện tốt chủ trương tăng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm