Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông Lấp-Tú Xương)
(GLO)- Tiệm tiến hay bột phát, nhiều hay ít, nhỏ hay lớn, sự thay đổi nào cũng ít nhiều tạo nên sự khác lạ, khác biệt. Có thể tức thì hay chầm chậm nhưng rồi ai cũng đều cảm nhận được. Bằng tài năng và sự nhạy cảm, chỉ 4 câu thơ mà Tú Xương đã khiến những kẻ bình sinh dẫu có cao ngạo “bốn biển là nhà” bàng quan phớt đời cũng phải giật mình thảng thốt trước bể dâu, trước sự đổi thay chóng vánh của cảnh quan, thời cuộc, có khi chỉ trong chớp mắt.
Sự thay đổi có trong mỗi con người, trong xã hội, vũ trụ, thiên nhiên tạo vật. Đó là quy luật và dẫu là quy luật của tự nhiên, xã hội hay tư duy thì cuối cùng cũng quy về 2 chiều kích: tích cực và tiêu cực. Nếu là tích cực thì đó là sự thay đổi phù hợp với các quy luật cơ bản. Nghĩa là nó đảm bảo hạt-nhân-hợp-lý. Nó phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tính chất, hoàn cảnh thực tế. Tỷ như tập tục bốc mộ, “san cát” hiện nay không còn phù hợp, gây ô nhiễm, mất vệ sinh, cần phải thay đổi, chấm dứt, xóa bỏ. Hay nhiều hủ tục gây tốn kém, hại sức khỏe, mất thời gian cũng phải kiên quyết cho “cáo chung”.
Nói gần nói xa, cuối cùng là quy về một số đổi thay gần đây. Có thể quan trọng với người này nhưng cũng có thể “chưa là gì” so với người khác. Vâng, nhiều người xóm tôi cảm giác trống rỗng trước sự thay đổi con đường quen thuộc bao năm. Cũng mới đây thôi, con đường ngoại ô chừng năm trăm mét, dẫu nhỏ hẹp, dẫu chưa được phẳng phiu nhưng cũng chưa đến nỗi lầm bụi mùa khô, lầy bùn mùa mưa. Đặc biệt hai bên đường trồng rất nhiều cây sao đen. 2 hàng sao đen bên đường làm mát mắt người lại qua, nhất là trong mùa khô hanh, để thêm màu xanh trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra rầm rộ, có khi khốc liệt. Qua 5-10 năm, nó trở nên thân thuộc, gắn bó với người dân khu vực, trong đó có tôi, là như thế.
Thi công nâng cấp đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T |
Nhưng rồi một ngày: Làm đường! Lòng đường vốn nhỏ hẹp nay mở rộng nên hai hàng sao buộc phải di dời. Từng gốc cây bị đào lên, cành nhánh cắt trụi cho lên xe tải vận chuyển đi chỗ khác. Đào, xới, đắp, xây, lu láng…, cuối cùng con đường mới cũng hoàn thành. Đường mở rộng, láng nhựa phẳng phiu, có hệ thống thoát nước đủ cả. Những ngày đầu, thậm chí vài tháng sau, nhiều người chưa hết hả hê, vui sướng vì đường sá rộng rãi, giá trị nhà đất theo đó cũng tăng lên. Nhưng có lẽ sâu trong tâm hồn, ít nhiều họ đều tiếc nhớ con đường cũ với 2 hàng sao đen tán xanh che mát, lề đường rộng rãi chứ không như bây giờ nhà cửa tiến sát lòng đường, bất tiện đi lại, cảm giác mất an toàn.
Đây không chỉ là thực trạng các con đường TP. Pleiku vừa cải tạo, mở rộng, nâng cấp. Bởi những con đường như Mạc Đăng Dung, Ngô Gia Khảm, Mạc Đĩnh Chi hay Trần Phú, Hai Bà Trưng… không phải chỉ cần được mở rộng mà còn nhiều hơn thế. Sớm quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch và thiết kế, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị… tất cả đều cần chỉn chu, bài bản, quy củ và hợp lý hơn. Ngay cả việc xây dựng các con đường, như đã nói, không phải chỉ có mở rộng lòng đường mà quên mất lề đường, quên mất các hạng mục quan trọng khác, quên mất cảnh quan, diện tích dành cho cây xanh, như một yêu cầu bắt buộc…
Thay đổi vì sự tiến bộ, văn minh tất nhiên là cần, ai cũng ủng hộ. Vấn đề là làm như thế nào, triển khai ra sao cho phù hợp, hài hòa các yêu cầu và lợi ích. Đây là điều mà nhà quản lý xã hội cân nhắc. Bởi cái lợi không phải chỉ ở trước mắt mà nó quan hệ mật thiết, dài lâu với mọi sự thay đổi, khác lạ, dù là nhỏ nhất.
THẤT SƠN