Chính trị và phi chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xin bắt đầu từ chuyện cá nhân mình. Một buổi trưa trước ngày 20-11, trên đường đi làm về với tâm trạng háo hức nghĩ về nghề, về các thế hệ học sinh mà mình đã dốc hết tim gan phèo phổi trong nhiều năm tháng để giúp họ thành Người, về các cuộc gặp gỡ trong ngày lễ trọng sắp tới…
Vào tới nhà, hai cháu gái mơn mởn: “Chào chú ạ!”. Tôi chào lại và nghĩ chúng là bạn của con mình. Nhưng sau đấy thì không phải. Hóa ra là hai sinh viên năm thứ hai trường sư phạm đến gặp con dâu tôi đang là giáo viên một trường THCS để liên hệ hướng dẫn trong đợt thực tập. Khi họ ra về lại: “Chào chú ạ!”. Giời ạ, tôi là “thợ” đọc các loại thư chúc mừng nhân ngày khai giảng hàng năm, chiềng mặt trên cái bục trang trọng của hội trường, nơi mà tất cả các sinh viên năm thứ nhất tham dự và cũng thi thoảng có mặt trong các câu lạc bộ, ngoại khóa, tổng kết năm học… Vậy nỡ nào họ lại quên tôi sao? Tôi lý nhí vuốt đuôi cải chính: “Không phải chú mà là thầy”. Lời nói tan vào trong gió thoảng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi tự an ủi: Trường mấy ngàn sinh viên, mình lại không trực tiếp giảng dạy lớp ấy, họ quên mình cũng là lẽ thường tình. Chuyện ấy chưa là gì. Hôm thứ hai ngày 22-11, sau khi trao đổi về tình hình nhà trường, tình hình địa phương, thầy hiệu trưởng một trường THCS  làm  phép thử, hỏi sinh viên đoàn thực tập rằng thầy Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm tên là gì? Cô giáo nào ở trường là đại biểu Quốc hội? Sinh viên ngớ ra, “em chịu, không biết ạ”. Đến nước này thì hẳn là có vấn đề rồi! Lại nhớ chuyện sinh viên trường khác kháo với nhau về thầy cô của mình: “Bà ấy già rồi mà suốt ngày mông má. Gặp bả tao hổng thèm chào”. “Lão ấy trông dê lắm. Đáng ghét! Hôm qua lão bắt bẻ: Sao gặp thầy mà không chào? Tao bảo: Em không nhìn thấy ạ”… Đấy là chuyện của những người trẻ tuổi. Còn người lớn cũng không phải là không có chuyện. Đoàn thể đầy thiện ý, khuyên phấn đấu vào Đảng. Ông này nói: “Nhà tớ có đặc điểm tất cả mọi người đều là đảng viên, cộng lại hơn 120 năm tuổi Đảng. Tớ phải đứng ngoài để đến bữa mời ba mẹ, anh chị ăn cơm. Chả lẽ ai cũng mời các đồng chí ăn cơm(!)”.
Có ông cán bộ học xong lớp trung cấp chính trị hớn hở như thuở xưa Ac-si-mét trong bồn tắm phát hiện ra định luật của mình, rằng: Học xong khóa học mới biết Mác và Lê-nin là hai ông khác nhau(!). Có ông khinh khỉnh vác mặt lên trời mà tuyên bố: Tôi chỉ làm chuyên môn, không dây vào chính trị. Xin thưa ngay câu lập ngôn của ông cũng là một thái độ chính trị rồi. Chả lẽ chuyên môn thì cao siêu hơn chính trị sao? Làm chính trị là xấu hay sao? Lại có ông không những không tham gia mà còn can đồng nghiệp trong các cuộc chuẩn bị câu lạc bộ bộ môn: Kệ! Cứ để đó cho chúng nó làm. Trộm nghĩ: Ông này mà sống ở thời Chí Phèo, khi hắn chửi cả làng Vũ Đại thì “chúng nó” chắc cũng chừa mình ra. Ngay chuyện ở mòn nhà, đi mòn đất mà vẫn không biết người mà con đường mang tên là ai cũng là phi chính trị. Cổng khu phố văn hóa mà dưới chân kèm theo các biển báo “cấm đổ rác”, “cấm phóng uế”… suy cho cùng cũng là một biểu hiện của phản chính trị (chưa kể sự phân chia vai vế văn hóa cấp này cấp nọ thành ra không văn hóa nữa rồi).
Nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, lại chợt liên tưởng tới nhân vật Thúy Vân của Cụ. Trái với người chị Thúy Kiều của mình đầy sức sống, đầy tinh thần và hành động phản kháng với xã hội thối nát bất công, Thúy Vân “đặt đâu ngồi đấy”, mũ ni che tai, dửng dưng, vô tình trước tất cả mọi biến động của gia đình và xã hội. Vũ Trinh phê: “Thúy Vân vô tình và ngu xuẩn”. Hoài Thanh nhận xét: “Đối với con người này, trật tự phong kiến được đảm bảo hoàn toàn!”. Quả đúng vậy, thái độ sống của Thúy Vân mà bây giờ ta hay nói là thói vô cảm, vô hình trung đã trở thành một đồng minh không tự giác của cái Ác trong xã hội.
Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm