Chợ đêm mùa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết, chợ đêm tấp nập. Dưới ánh đèn cao áp vàng vàng buồn tẻ là cái náo nhiệt của chợ đêm. Những cánh tay cuồn cuộn đẩy hàng của mấy người làm nghề bốc vác, cái bịt bùng, kín mít để giữ ấm của các bà, các chị bán hàng. Không thiếu những bàn tay run run rét cóng vì trần trụi giữa màn đêm lạnh buốt. Đâu đó, ngay cạnh đống bùng nhùng bạt nhựa, một tấm chăn lấm lem bụi đất, người phụ nữ co quắp lại cho ấm, tranh thủ đánh giấc trong lúc chờ hàng…

Ngủ ngày, “ăn” đêm

Mỗi công việc đều có những đặc thù riêng của nó. Nghề bán hàng ở chợ đêm cũng vậy. Với nghề này, quy luật thông thường về giờ giấc làm việc bị đảo lộn vòng 180 độ. Khi phố đêm dần chìm vào giấc ngủ cũng là lúc một quy trình làm việc bắt đầu…

Gần Tết, cả nhà chị Nga cùng kéo nhau đi bán. Ảnh: Lê Hòa
Gần Tết, cả nhà chị Nga cùng kéo nhau đi bán hàng. Ảnh: Lê Hòa

Thông thường, chợ đêm bắt đầu hoạt động từ 21 giờ-22 giờ, kết thúc khi 4-5 giờ sáng. Tết đến, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, chợ cũng phải tăng lên nhịp điệu bán buôn ở cả ba góc độ: Giờ giấc, giá cả và lượng hàng hoá. “Gần một tuần nay tui đều đi bán từ lúc 5 giờ chiều. Mùa Tết mà, tranh thủ chứ!”- Bà Trần Thị Lành, một tiểu thương buôn bán rau ở chợ đêm, cho biết.

68 tuổi đời và 22 năm gắn bó với chợ đêm Pleiku, bà như thuộc làu “luật” ở chợ này. Rất ít khi nói thách, cân cũng đảm bảo hơn so với chợ ngày. “Bán buôn mà, hầu như bỏ mối, nếu “abc” thì ai thèm mua bán với mình nữa”- Bà Lành lý giải.

Hỏi, vì sao bà không chuyển qua bán chợ ngày hay một công việc gì đó để khỏi phải cặm cụi đêm hôm? Bà cười: “Tưởng buôn ở chợ đêm không nghiện à? Quen rồi, ngủ ngày, thức đêm. Với lại, bạn hàng đã quen mối lâu nay, giờ bắt tay làm cái khác khó lắm!”. Những ngày Tết, hàng nhiều, người mua nhiều, sạp hàng của bà phải huy động con cái ra phụ giúp.

Một góc chợ đêm. Ảnh: Lê Hòa
Một góc chợ đêm. Ảnh: Lê Hòa

… 12 năm gắn bó với nghề buôn bán mưu sinh ở chợ đêm, chị Nguyễn Thị Bích Nga dường như đã quên mất nhịp sống của bao người bình thường. Hỏi về cảnh vất vả chợ đêm, chị cười giòn tan: “Nhà của tui ở đây nè! Anh em làng xóm đây nè. Buồn sao được”. Hoá ra, cái nhịp điệu cuộc sống này đã hình thành cho họ những khả năng thích nghi “khác người”. Chồng và cậu con trai 4 tuổi cũng rồng rắn lên phụ mẹ bán hàng dịp Tết.

“Ngày thường bán chừng 2-3 tấn hàng mỗi đêm, giờ bèo nhất cũng phải 5-6 tấn. Chồng không lên phụ làm sao một người quán xuyến nổi. Vợ đi, chồng đi nên con đành phải theo thôi. Sắp sẵn cái chăn lên dọn cho thằng bé chỗ đặt lưng, còn hai vợ chồng thì lo buôn bán”- anh Hải- chồng chị Nga phân trần.

Những giấc ngủ “ngược đời” gắn bó với những con người buôn bán chợ đêm như một điều tất yếu. Đó cũng như là thử thách tất yếu để đào luyện và đào thải những con người dám bươn mình thách thức màn đêm, mưu sinh với nghề mua qua-bán lại. Những giọt mồ hôi trong sương đêm lạnh giá, để kiếm được nó, người ta phải đánh đổi quá nhiều thứ. Chọn chợ đêm làm chốn, nghiệp mưu sinh, họ phải chấp nhận hy sinh- vì miếng cơm manh áo. Và, cũng không chỉ riêng mình họ. Đôi khi, người thân, gia đình và kể cả là những đứa nhỏ cũng phải buông mình theo nghiệp của mẹ cha.

Đổ xô mua, bán ở chợ đêm

Nhiều người dân thành phố có thói quen đi chợ đêm, vừa tươi ngon, rẻ lại không phải mất thì giờ kì kèo, trả giá, không bị bớt xén… Nếu so với chợ ngày, mua ở chợ đêm, giá có thể chỉ bằng một nửa hoặc cùng lắm là 2/3 so với chợ ngày. Bởi vậy, các nhà hàng, quán cơm… đều mua hàng hoá từ chợ đêm để kiếm thêm chút lời lãi. Các bà, các mẹ nội trợ đảm đang, sáng sớm dậy đi tập thể dục cũng tiện thể ghé luôn qua chợ đêm, khỏi mất công ngày đi chợ. Không chỉ là đầu mối cung cấp hàng đổ sỉ cho các vùng lân cận, chợ đêm cũng là “thiên đường mua sắm” khá lý tưởng cho người dân Pleiku.

Náo nhiệt chợ đêm. Ảnh: Lê Hòa
Náo nhiệt chợ đêm. Ảnh: Lê Hòa

Tết đến, nhu cầu hàng hoá tăng cao, trong đó, thực phẩm rau, củ, quả, trái cây là một trong những mặt hàng “nóng” nhất. Chợ đêm những ngày cận Tết vì thế phình to, loang ra khắp những con phố lân cận. Nếu như ngày thường, chợ đêm thường chỉ quẩn quanh khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật và bến xe nhỏ, nay, chợ loang ra khắp ngả đường Lê Lai, Hoàng Văn Thụ. Dường như, khó tìm được một mảnh đất rảnh rỗi ở những khu vực này.

Tuyến đường Lê Lai, đoạn gần ngã ba Lê Lai-Hai Bà Trưng đến trước khách sạn Tre Xanh Plaza là “lãnh địa” của hoa. Đoạn đường Nguyễn Thiện Thuật, đoạn từ khách sạn Tre Xanh Plaza đến ngã tư Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật và khu vực bến xe nhỏ là “thiên đường của rau, củ, quả và cũng trên đoạn đường này, đoạn từ Trung tâm Thương mại Pleiku đến ngã tư Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Thiện Thuật là chốn ngự trị của mấy sạp thịt bò, thịt heo. Ngoài đám đông buôn bán cố định bấy lâu cũng xuất hiện thêm những nhà buôn trái vụ, đem “cây nhà lá vườn” đọ sức, thử tài với mấy anh chị em bán buôn chuyên nghiệp. Không khí chợ đêm những ngày cận Tết đông đúc và náo nhiệt chẳng kém chợ ngày. Có khác, không ồn ã trả giá ì xèo mà khách hàng mua gì cứ tha hồ chọn, giá đã có sẵn, bỏ lên bàn cân tính tiền là xong. Nhanh gọn và trật tự.

“Đất vàng” ở chợ đêm thường là của cánh buôn bán ở chợ đêm chuyên nghiệp. Cánh nhà vườn đèo bòng đem lên bán thường chỉ bám theo những vỉa ngoài quanh chợ, hàng hoá cũng kém phong phú hơn. Gần Tết chứng kiến sự “bùng nổ” của những xe hoa: Lay ơn, bông cúc, hoa huệ trắng… Nhiều nhất là lay ơn. Nếu ban ngày, lay ơn thường được bán với mức giá 30-40/bó 10 bông thì ở chợ đêm, giá lay ơn chỉ dao động trong khoảng 15-20 ngàn/bó tuỳ độ đẹp xấu, lớn nhỏ. Chỉ tính riêng khu vực “tự sản tự tiêu” các loại hoa đã có ngót ngét trăm người bán, tụ tập dọc hai bên đường Lê Lai từ khách sạn Tre Xanh Plaza đến ngã ba Lê Lai- Hai Bà Trưng. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy (Phú Thọ-An Phú-TP. Pleiku), cho biết: “Nhà trồng được 2 sào hoa, thương lái cũng xuống mua nhưng nhà rỗi việc, vừa đổ cho thương lái một phần còn hai vợ chồng hái đem lên chợ bán, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó để tiêu Tết. Dạo này làm ăn khó, nên đành phải vất vả vậy!”.

Phía trước khách sạn Tre Xanh Plaza là khu vực bán rau, củ, quả. Bên chiếc xe tải chất đầy rau, anh Trương Minh Đức- một lái buôn rau ở xã An Phú- TP Pleiku, tay vừa xếp hàng, vừa nhẩm tỉnh: “Ngày thường tui đổ hàng lên đây chừng dăm bảy tấn, Tết tăng lên gấp đôi, gấp 3 sao không cố làm. Nhìn chung giá rau, củ, quả năm nay không tăng lên bao nhiêu, thường chỉ khoảng 20-30% so với ngày thường, rau quả lại đẹp, ngon nên dễ bán”.

Cái hối hả của những ngày cận Tết cuốn những con người đang vật lộn nơi chợ đêm Pleiku vào một guồng quay gấp gáp hơn trên hành trình mưu sinh trong màn đêm. Những giọt mồ hôi của họ là để đổi lấy ánh sáng bình minh của buổi sớm mai…

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm