(GLO)- Bắt đầu triển khai các hạng mục đầu tiên, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 theo hình thức BOT qua Gia Lai và Đak Nông đang ngày càng tiến gần tới mục tiêu đề ra là nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực, củng cố quốc phòng-an ninh. Đây sẽ là con đường góp phần giúp Tây Nguyên khởi sắc.
Ảnh: H.D |
Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, quốc lộ 14, đoạn từ tỉnh Gia Lai đến tỉnh Bình Phước từng được xem là “điểm đen” về giao thông. Các phương tiện tham gia giao thông qua đoạn này phải “bò” qua các quãng đường sụt lún, nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện liên hoàn. Không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bởi vậy, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường trở nên vô cùng cấp bách.
Quyết định… liều lĩnh!
Được biết, dự án BOT Gia Lai là công trình giao thông thứ 3 Đức Long Gia Lai triển khai trên tuyến quốc lộ 14. Đầu tiên phải kể đến là dự án xây dựng quốc lộ 14 đoạn từ Cây Chanh đến thị xã Đồng Xoài (Km 887-Km 962) với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, chiều dài 75 km. Dự án thứ 2 là nhằm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14, đoạn Km 817-Km 887 tỉnh Đak Nông, cũng theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, tổng chiều dài 73 km. Và hiện tại là dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn Pleiku-Cầu 110.
Có thể nói, việc chọn lựa đầu tư cho các dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) theo hình thức hợp đồng BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai được coi là thức thời song lại có phần liều lĩnh khi tình hình kinh tế đang bị khủng hoảng. Song tại lễ khởi công, ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ cùng với nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình, nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Theo tính toán của nhà đầu tư, khi các dự án hoàn thành và đi vào thu phí, đơn vị sẽ thu về ước tính ít nhất là 1.000 tỷ đồng/năm với mức thu phí bằng 3,5 lần và 3 năm điều chỉnh giá thu phí một lần, mỗi lần tăng tối thiểu 18%. Đó là cơ chế đặc thù của Chính phủ dành cho Tây Nguyên. Riêng với dự án BOT Gia Lai, thông qua 2 trạm thu phí, đơn vị đầu tư sẽ được hoàn vốn trong vòng 22 năm.
Ảnh: H.D |
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn Pleiku-Cầu 110 tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm nhà đầu tư có tổng chiều dài tuyến gần 60 km, tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ gần 1.600 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là 100 tỷ đồng. Tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang đoạn ngoài đô thị chiều rộng nền đường 12 mét, mặt đường bê tông nhựa rộng 11 mét với 2 làn xe cơ giới. Đoạn qua đô thị, trước mắt, đầu tư với quy mô chiều rộng nền đường 23,5 mét bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.
Dự kiến của nhà đầu tư, để hoàn vốn đầu tư dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng 2 trạm thu phí tại Km 1610+800 và Km 1667+470 với mức phí bằng 3,5 lần mức cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính, ba năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng tối thiểu 18%.
Đối với đoạn Km 817-Km 887 đi qua các huyện Đak Song, Đak R’Lâp và thị xã Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đak Nông đến thời điểm hiện tại đã có những thay đổi nhìn thấy rõ. Theo thiết kế ban đầu, dự án có quy mô chiều rộng nền đường 21,6 mét, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do giá cả vật tư biến động lớn, lãi suất vay ngân hàng tăng cao, dự án khó có khả năng hoàn vốn nên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận cho điều chỉnh quy mô nền đường xuống còn 12 mét, tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế còn 60 km/giờ, với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, chia làm 10 gói thầu xây lắp.
Con đường của sự phát triển
Hiện nay, lần lượt các gói thầu đã được triển khai thi công. Sáng 21-11, lễ động thổ, thi công gói thầu số 2, số 5 và một gói thầu từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku (Km 1610)-Cầu 110 (Km 1667+570) tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT được coi là minh chứng cho lời cam kết của nhà đầu tư đối với dự án này. Được biết, dự án được chia làm 9 gói thầu. Với các gói còn lại, Công ty cũng đã tiến hành đàm phán, ký kết với các nhà thầu uy tín, có năng lực và sẽ sớm được đồng loạt triển khai thi công.
Cùng với đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tiến hành thẩm định dự án và dự kiến sẽ ký hợp đồng tín dụng cung cấp nguồn vốn dự án ngay trong tháng 12 này với gần 1.600 tỷ đồng. Với những cố gắng như hiện nay, lãnh đạo Công ty khẳng định dự án sẽ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chậm nhất là vào tháng 2-2015.
Lắp đặt các máy trộn bê tông nóng trong phạm vi dự án. Ảnh: H.D |
Còn với dự án BOT qua Đak Nông, nhà đầu tư cũng đã tiến hành lựa chọn đàm phán, thống nhất ký kết toàn bộ 10 gói thầu với các nhà thầu uy tín, kinh nghiệm và đang đồng loạt triển khai thi công. Theo đó, cùng với việc lựa chọn nhà thầu có năng lực, nhà đầu tư cũng đã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát, thành lập nhiều phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát toàn bộ vật tư, vật liệu đầu vào và kiểm tra chất lượng thi công của các nhà thầu, nhất là đảm bảo chất lượng của nhựa đường và bê tông nhựa đường. Với tiến độ thi công như hiện nay, khả năng dự án sẽ hoàn thành việc thông tuyến sớm hơn 1 năm so với cam kết với UBND tỉnh Đak Nông.
Giao thông thuận lợi hơn sẽ là điều kiện tiên quyết để có thể lạc quan tin rằng kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên sẽ trở nên khởi sắc. Và cung đường này trở thành cung đường của an bình và no đủ.
Hà Duy