“Chông gai” cửa ngõ phía Nam TP Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là cách ví von của cánh tài xế mỗi khi đi qua quốc lộ 14-đoạn từ ngã tư Trường Trung học Lâm nghiệp đến dốc Hàm Rồng. Dù chỉ dài vài km nhưng đây chính là đoạn đường “chông gai” nhất của TP. Pleiku. Tình trạng thi công kéo dài khiến đoạn đường nát càng thêm nát gây nhiều bức xúc cho người dân sống dọc hai bên đường cũng như người tham gia giao thông.

Cuối năm 2010, dự án nâng cấp và mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ ngã tư Trường Trung học Lâm Nghiệp đến dốc Hàm Rồng (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) được khởi công, người dân nơi đây vui mừng khôn xiết… Vậy nhưng sau đó dự án bị xếp vào diện “công trình cắt giảm vốn theo Nghị quyết 11”. Vậy là công trình bị tạm dừng. Do chỉ mới thực hiện giai đoạn san ủi nên chỉ cần vài cơn mưa lòng đường trở thành những chiếc ao nhỏ, lầy lội, bên lề thì ngổn ngang đất đá... Đoạn đường trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua.

 

Nhiều đoạn đường hư hỏng nặng. Ảnh: L.L
Nhiều đoạn đường hư hỏng nặng. Ảnh: L.L

Đường Trường Chinh-đoạn đường gần Xí nghiệp tư doanh Hoa Trang là cảnh công trường ngổn ngang cát sỏi, nhiều đoạn ống cống để mọc rêu xanh chặn ngay lối đi vào nhà. Đối diện Xí nghiệp gỗ Trà Bá (của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là “chợ cóc” lộn xộn, mất trật tự lấn chiếm lề đường. Nhìn những đoàn xe nối đuôi đi qua đoạn đường này mà thót tim trong khi nhiều người dân vẫn vô tư buôn bán mà không biết nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào. Đến địa phận xã Ia Kênh, đoạn đường trước Salon xe ô tô Mai Anh, sự chênh lệch giữa lòng đường cũ và phần đường mới được san ủi và nhất là nhìn những chiếc hào sâu đầy nước ở bên lề đường càng khiến người đi đường thêm một lần nữa thót tim vì chỉ cần sơ sẩy là có thể té ngã bất cứ lúc nào.

Chị Nguyễn Thị Thu Diễm (thôn Ia Rok, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) buồn bã cho biết: “Trước đây, tiệm sửa chữa xe máy của gia đình luôn tấp nập khách nhưng 2 năm nay từ khi nhà thầu đào mương lắp cống khiến trước nhà bị án ngữ bởi một cái hào rộng thì công việc làm ăn trở nên ế ẩm. Vợ chồng tôi chuyển sang làm nông nhưng đi làm cũng không yên vì sợ lũ nhỏ ở nhà nghịch ngợm rơi xuống hố (chiếc hố sâu khoảng 2 mét) lại phải cắt cử người ở nhà trông chừng, thiệt đủ đường. Giờ chẳng cần đường đẹp, chỉ mong sao chính quyền cho san ủi trả lại mặt bằng để người dân yên tâm làm ăn”.

Có lẽ đáng sợ nhất là đoạn trước quán cơm Thanh Tâm (thuộc xã Chư Hdrông). Liên tục chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm, anh Nguyễn Văn Hùng (nhà ở ngay đoạn đường trên) bức xúc: “Nhìn những tai nạn thương tâm mà xót hết cả ruột, nhiều vụ bị chấn thương sọ não để di chứng cả đời”. Cũng theo anh Hùng, gia đình anh cùng những hộ dân xung quanh đây đã nhiều lần đóng góp mua vật liệu để san lấp nhưng chỉ được vài hôm, mưa xuống đường lại biến thành ao. Nhà nước cũng đã làm nhưng không triệt để, được vài hôm lại tróc.

Theo ông  Nguyễn Văn Long-Trưởng Công an TP. Pleiku thì đây là đoạn đường trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Thành phố đã nhiều lần đề nghị lên tỉnh làm văn bản kiến nghị với Bộ Giao thông-Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh qua TP. Pleiku nhưng đến nay dự án này vẫn chẳng có nhiều tiến triển.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích kiến nghị của cụ Lê Thị Như (81 tuổi), ở thôn Hàm Rồng, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku: “Anh chị làm ơn kiến nghị lên chính quyền cố gắng làm nhanh cho dân nhờ, chứ công trình lâu quá, chẳng biết già còn sống để nhìn thấy đường hoàn thành hay không?”.

Lê Lan
 

Có thể bạn quan tâm