"Chủ động các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh-trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh về một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn trong thời gian qua, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh-trật tự trong thời gian diễn ra sự kiện trọng đại của tỉnh.
 

Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.T
Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.T

- P.V: Thưa Đại tá, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra một số vụ trọng án gây hoang mang dư luận. Đại tá cho biết nguyên nhân và giải pháp của ngành Công an?

Đại tá Vũ Văn Lâu:Trước tiên, phải khẳng định rằng, nhiều năm qua chúng ta đã cơ bản kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động có tổ chức, băng nhóm, gây án chuyên nghiệp. Tuy vậy, tội phạm có nguyên nhân xã hội, nhất là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích còn diễn biến phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu do những mâu thuẫn bột phát trong cuộc sống thường ngày không được giải quyết kịp thời. Riêng vụ giết 4 người xảy ra ngày 23-8-2015 tại huyện Chư Prông, đối tượng gây án có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, Cơ quan Điều tra đang giám định.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị và Công an các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp công tác để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Qua đó, 9 tháng năm 2015, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra làm rõ 586/694 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 82%); trong đó: trọng án đạt 87%; riêng án giết người làm rõ 21/21 vụ (đạt 100%).  

Để ngăn chặn, kiềm chế và làm giảm tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an thì cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần sớm phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân có nguy cơ gây ra các vụ án nghiêm trọng; gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, làng xã văn hóa; nhân rộng các mô hình điển hình như: “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở thôn làng”, “Tổ hòa giải”, “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”.

 

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh-trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội. Ảnh: M.T
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh-trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội. Ảnh: M.T

Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình; nâng cao công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường, phòng-chống bạo lực học đường...

Ngoài ra, những người có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng cần chủ động phòng ngừa, tránh các mâu thuẫn xung đột, xô xát dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp cần tìm đến cơ quan chức năng để được giải quyết đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích chính đáng của mình không bị xâm phạm...

- P.V: Thời gian gần đây, tội phạm liên quan về ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực biên giới. Ngành Công an có những biện pháp như thế nào để trấn áp loại tội phạm này?

Đại tá Vũ Văn Lâu: Đúng là tội phạm ma túy đang có những diễn biến phức tạp. Tuy số vụ bị phát hiện và số đối tượng phạm tội bị bắt giữ có giảm so với cùng kỳ của năm 2014 (giảm 44,89% số vụ và 42,27% số đối tượng phạm tội), song số người nghiện tăng 148 người, trong đó chủ yếu là số người nghiện đang ở trong cộng đồng dân cư.

Sở dĩ có tình trạng này là do các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào Trung tâm Giáo dục-Chữa bệnh có quá nhiều vướng mắc mà hiện tại chưa thể thực hiện được. Do vậy, trong năm 2014 và 2015, hầu như chưa có trường hợp nào được đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung do Nhà nước quản lý. Mặt khác, quy định của cơ quan tư pháp bắt buộc phải giám định khối lượng, hàm lượng chất ma túy trong các vụ án cũng ảnh hưởng đến công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.

Tội phạm ma túy ở khu vực biên giới chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% số vụ phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép ma túy từ Lào và Campuchia vào tỉnh Gia Lai, đây là điều chưa từng xảy ra ở các năm trước.

Để công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả, điều trước tiên là phải tổ chức quản lý tốt số người nghiện. Chúng ta phải coi họ là những người bệnh để huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong quá trình quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ từ bỏ ma túy. Cần đơn giản hóa các thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh hoặc tổ chức cai nghiện tại cộng đồng.

Lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chủ động đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, không để hình thành các đường dây, tụ điểm phức tạp về ma túy; chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng-chống ma túy, với nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng địa bàn, đối tượng, gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng-chống tội phạm, phòng-chống ma túy, mua bán người…

Chủ động phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tiền chất và các chất có khả năng gây nghiện; thiết lập các đường dây nóng để quần chúng thông báo kịp thời tội phạm và tệ nạn ma túy.


- P.V: Xin Đại tá cho biết, công tác bảo đảm an ninh trật tự trước và trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV được ngành Công an chuẩn bị như thế nào nhằm góp phần để Đại hội thành công tốt đẹp?

Đại tá Vũ Văn Lâu: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV là sự kiện trọng đại đối với quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Bảo vệ Đại hội Đảng các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an trong năm 2015. Để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho từng lực lượng, đồng thời dự kiến các tình huống có thể xảy ra, phương án giải quyết…, trong đó tập trung vào các mặt công tác lớn sau:

- Xây dựng phương án bảo đảm an ninh-trật tự, phòng-chống gây rối, bạo loạn, khủng bố; lên phương án bảo vệ các địa điểm diễn ra các hoạt động trong chương trình Đại hội; nơi ăn, nghỉ của đại biểu, nơi các đoàn đại biểu về dự Đại hội.

- Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, kịp thời phát hiện mọi âm mưu, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch vào trong nước. Đặc biệt là nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng FULRO, “Tin lành Đê-ga”, “Tà đạo Hà Mòn”... để chủ động có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, không để hình thành các điểm nóng về an ninh-trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội.

- Lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an TP. Pleiku tăng cường tuần tra, kiểm soát vào thời gian cao điểm tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh trong suốt thời gian diễn ra Đại hội để kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật.

- Lực lượng Cảnh sát Điều tra phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm; tăng cường quản lý, giáo dục số đối tượng hình sự, ma túy… không để các đối tượng lợi dụng thực hiện tội phạm.

Cuối cùng là tăng cường kiểm tra các địa điểm, các cơ sở kinh doanh lưu trú, văn hóa phẩm, quản lý chất cháy, chất nổ và kiểm tra phòng-chống cháy nổ, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; phối hợp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu chuẩn bị gây mất an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội.

- P.V: Xin cảm ơn Đại tá.

Minh Triều (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm