Lượng người trở về từ tâm dịch rất lớn trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở địa phương còn thấp cùng với lối sống quần cư của người dân bản địa đang dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới ở Tây Nguyên.
Xét nghiệm trên diện rộng cho người dân thị xã Buôn Hồ sau khi ghi nhận các chùm ca bệnh phức tạp. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Từ cuối tháng 4 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát mạnh gây nên những hệ lụy rất nghiêm trọng đối với đất nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên.
Sau khi các tỉnh, thành phố phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10, hàng chục nghìn người lao động quê ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã hồi hương để trách dịch dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 5 tại khu vực.
Điều này đòi hỏi chính quyền các tỉnh ở Tây Nguyên phải chủ động, linh hoạt ứng phó, nhất là trong bối cảnh cả nước đang bắt đầu chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người dân hồi hương tránh dịch.
Lượng người trở về từ tâm dịch rất lớn trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở địa phương còn thấp cùng với lối sống quần cư của người dân bản địa đang dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Tiếp nhận công dân trở về từ vùng dịch
Theo thống kê của 5 tỉnh Tây Nguyên, từ đầu tháng 10 đến ngày 18/10, có trên 62.000 người từ các tỉnh, thành phố phía Nam di chuyển về các địa phương. Trong số này có không ít trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện ngay tại cửa ngõ của các tỉnh.
Trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì Đắk Lắk có số người từ vùng dịch trở về nhiều nhất - từ ngày 27/4 đến ngày 18/10, tỉnh đã tiếp nhận 124.384 người, riêng từ đầu tháng 10 đến nay có hơn 24.000 người.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, thực tế cho thấy, từ tháng 5 đến nay tỉnh liên tiếp ghi nhận nhiều ổ dịch COVID-19 phức trong cộng đồng với nhiều ca mắc mà một trong những nguyên nhân là do có đông người từ vùng dịch trở về, việc thực hiện cách ly tại nhà chưa triệt để.
Tại tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 18/10, địa phương này đã tiếp nhận trên 17.000 người về từ vùng dịch, trong đó có 481 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Nhận định về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng trong thời gian qua tỉnh đã rất nỗ lực và cơ bản khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng vẫn hiện hữu khi số lượng người di chuyển từ vùng dịch về địa phương khá lớn.
Đặc biệt, công dân trở về từ vùng dịch có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 khá cao, thời gian ủ bệnh dài. Ngoài ra, tỉnh cũng ghi nhận hàng chục trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2, đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng.
“Hầu hết các công dân trở về tỉnh theo từng đoàn với với số lượng lớn. Việc ăn, ở, sinh hoạt cùng nhau trong quãng đường dài, nhiều ngày liền và thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch chưa đầy đủ. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt lượng người trở về tỉnh, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly thì khả năng lây lan dịch trong cộng đồng là rất cao. Bên cạnh đó, phong tục tập quán sinh hoạt của người dân bản địa tại Gia Lai cũng làm cho dịch bệnh rất dễ lây lan: điều kiện sống không đảm bảo, phong tục sinh hoạt chung thường nhật, các hoạt động văn hóa, ma chay, cưới hỏi kéo dài nhiều ngày, tập trung đông người cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh” - bà Nguyễn Thị Thanh Lịch lo ngại.
Tương tự, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Đắk Nông cũng tiếp nhận trên 12.000 người, Lâm Đồng có 2.000 người, Kon Tum có 7.000 người trở về từ vùng dịch.
Một trong những điều kiện quan trọng để kiểm soát dịch bệnh là độ bao phủ vaccine phòng COVID-19. Dù đứng trước nguy cơ dịch bùng phát mạnh song nhiều tỉnh Tây Nguyên hiện có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn rất thấp.
Đơn cử như tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 18/10, trong số 1.362.176 người trên 18 tuổi mới có 305.049 người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 22,39%. Tương tự, tỉnh Đắk Nông người tiêm đủ hai mũi mới chiếm 39% tổng số người trên 18 tuổi, con số này ở Kon Tum là 26,65%, Lâm Đồng là 20%.
Có thể khẳng định, với hàng chục nghìn người từ vùng dịch di chuyển về Tây Nguyên, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine còn quá thấp thì nguy cơ bùng phát đợt dịch mới luôn hiện hữu. Thực tế trong những ngày qua cho thấy, tình hình dịch COVID-19 ở khu vực này cũng “nóng lên” với nhiều ổ dịch bùng phát trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Nhiều ổ dịch bùng phát trong cộng đồng
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ đầu tháng 10 đến ngày 19/10, liên tiếp ghi nhận các ổ dịch phức tạp. Gần đây nhất là chùm ca bệnh được phát hiện tại chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) với 23 trường hợp mắc COVID-19; chùm ca bệnh tại buôn Dru 1 (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) với 40 trường hợp mắc COVID-19; chùm ca bệnh tại buôn Koneh (xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar) với 198 ca mắc…
Phong tỏa khu vực sinh sống của bệnh nhân mắc COVID-19 tại phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Các chùm ca bệnh này chưa rõ nguồn lây, lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra, truy vết để khoanh vùng dập dịch.
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Lâm Đồng cũng liên tiếp ghi nhận các chùm mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Như chùm ca bệnh tại làng hoa Vạn Thành (thành phố Đà Lạt) được phát hiện vào đầu tháng 10, đến ngày 18/10, đã ghi nhận 72 bệnh nhân. Ngày 12/10, tại thôn Pré (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh.
Đến ngày 18/10, tại ổ dịch này đã có 20 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận. Đáng chú ý, tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) vào ngày 17/10 một bệnh nhân 81 tuổi mắc COVID-19, được phát hiện dù người này không ra khỏi địa phương, tiếp xúc với rất ít người.
Những ngày gần đây, tại các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đều ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 là người từ vùng dịch của các tỉnh, thành phố phía Nam trở về, trong đó, ngày 19/10, tỉnh Kon Tum ghi nhận 6 ca mắc mà có tới 5 ca từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương trở về.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kon Tum, tình hình dịch bệnh vẫn còn khá diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nên nguy cơ xuất hiện trường hợp COVID-19 trong cộng đồng tại tỉnh là rất cao và khó tránh khỏi.
Đặc biệt, nhiều trường hợp ủ bệnh nhiều ngày, thậm chí là sau khi hoàn thành cách ly tập trung và các trường hợp tái dương tính sau khi xuất viện, điều này làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan dịch ra cộng đồng.
Theo tiến sỹ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hiện tại nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng là vấn đề hết sức nan giải cho công tác phòng, chống dịch của khu vực Tây Nguyên.
Theo thống kê, từ ngày 1/10 đến 16 giờ ngày 19/10 khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 4.800 ca mắc COVID-19, tăng 50% so với tổng số ca của cả 4 tháng trước đó (hiện cả khu vực đang theo dõi, điều trị 1.638 ca, 3.086 ca đã khỏi bệnh).
Trong số đó, khoảng 70% các ca mới được ghi nhận từ 1/10 đến nay là những người từ phía Nam trở về (trung bình mỗi ngày gần 100 ca) và hầu hết đã được các tỉnh chủ động tầm soát, phát hiện ngay từ đầu hoặc trong thời gian cách ly y tế (tập trung hoặc tại nhà).
Đánh giá về nguy cơ bùng phát dịch, tiến sỹ Viên Chinh Chiến nhận địnhdo lượng người về Tây Nguyên quá lớn (hơn 60.000 người) nên các tỉnh không thể cách ly tập trung toàn bộ mà chủ yếu là cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, vì vậy nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là rất cao.
Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số có đặc tính văn hóa cố kết cộng đồng cao nên nguy cơ gây ra các ổ dịch cục bộ trong thôn, buôn là rất đáng quan ngại.
Trong khi đó tỷ lệ phủ vaccine tại Tây Nguyên còn quá thấp - số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine ở nhóm ≥ 18 tuổi là 9%, số người được tiêm 1 mũi là 21,6% (số liệu thống kê đến ngày 17/10/2021 của Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực Tây Nguyên).Điều này càng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống chính trị và ngành y tế của các tỉnh Tây Nguyên đã cố gắng triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động nên đến nay dịch vẫn cơ bản được kiểm soát.
Trước nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát mạnh, chỉ “một phút” chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch là các tỉnh Tây Nguyên sẽ phải “trả giá đắt.” Do đó, hơn lúc nào hết, hiện nay từ chính quyền các địa phương đến mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động chặn đứng nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.
PV (TTXVN/Vietnam+)