Kinh tế

Chủ động phòng cháy chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay thời tiết sẽ có nhiều thay đổi thất thường. Trong tháng 1 và 2-2014, các huyện phía Tây lượng mưa không đáng kể và là những tháng khô hạn nhất trong năm. Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.
 

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bước vào mùa khô năm nay, toàn tỉnh hiện có 127 vùng trọng điểm cháy rừng, trong đó 77 điểm thuộc các đơn vị chủ rừng quản lý, các điểm cháy còn lại do UBND xã quản lý. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô 2014, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thẩm định và phê duyệt các hạng mục, công trình phòng cháy chữa cháy rừng cho các địa phương.

Theo đó, tổ chức thành lập mới và củng cố 225 tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở; làm mới 1.200 bảng cảnh báo cháy rừng; xây dựng mới 114 km đường băng cản lửa; đốt phát có điều khiển 499 ha… Đặc biệt đã có 16.000 tổ chức, gia đình sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng trong mùa khô. Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí chữa cháy rừng hàng năm, Chi cục Kiểm lâm cũng đã mua 600 dụng cụ thô sơ như: bàn dập lửa, cuốc, xẻng… để phục vụ công tác chữa cháy rừng.

Nét mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm nay là ngoài 3 đội kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện đều phải thành lập thêm 1 đội cơ động khoảng 10 người sẵn sàng tham gia khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đã có công văn hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt phương án phải bám sát thực tế và phương án chữa cháy rừng phải có tính khả thi cao.

Ông Nguyễn Hữu Long-Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm đã thẩm định các phương án phòng cháy chữa cháy rừng cho các địa phương. Hiện tại, tất cả các công trình phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương và chủ rừng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương và chủ rừng tích cực triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô năm nay, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng.  

Bên cạnh đó, Chi cục đang phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh và huyện Chư Pah chuẩn bị tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng với quy mô cấp tỉnh trong tháng 12 này”. Cũng theo ông Long, mặc dù công tác chuẩn bị phòng cháy chữa cháy rừng đã sẵn sàng, nhưng hiện nay các địa phương và chủ rừng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là kinh phí hỗ trợ cho các chủ rừng và các huyện, thị xã theo phương án đã phê duyệt từ năm 2010, đến nay đã bị trượt giá nhưng không được bổ sung. Khoảng kinh phí đầu tư hàng năm khoảng 5 tỷ đồng không đáp ứng yêu cầu chữa cháy rừng mà chỉ giải quyết công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho các vùng trọng điểm, còn các diện tích khác chưa được đầu tư... Hầu hết diện tích rừng nguy cơ cháy phân bố ở địa hình phức tạp, điều kiện vật liệu cháy dưới tán rừng tích tụ nhiều năm nên rất dễ gây cháy…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm