(GLO)- Trước áp lực từ việc tăng giá xăng, dầu và khí đốt, các doanh nghiệp cũng như người dân cố gắng xoay xở để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm cũng là giải pháp quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá.
Chủ động ứng phó với “bão giá”
Khi giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, không chỉ các nhà thầu mà các đại lý cung cấp mặt hàng này cũng gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thụy Lam Phương-Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tiến-cho biết: “Lúc này, hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án mà chúng tôi đã ký đều phải tạm dừng vì không thể thực hiện theo giá đã ký. Chúng tôi đang cố gắng thương thảo với chủ đầu tư của các công trình, dự án đang thi công dang dở hoặc chưa thi công để điều chỉnh lại giá”.
Còn ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) thì cho hay: “Chúng tôi đang khuyến khích người dân chuyển việc dùng dầu sang dùng điện bơm tưới cà phê. Mỗi đợt tưới, nếu dùng dầu thì chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha, dùng điện thì có thể tiết kiệm được gần một nửa. Còn phân bón, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân ủ phân hữu cơ từ vỏ trấu, rác thải nhà bếp... thay thế các loại phân vô cơ để phần nào giảm bớt chi phí”.
Giá các mặt hàng tại các siêu thị tạm thời vẫn ổn định, chưa tăng giá. Ảnh: Hà Duy |
Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, các siêu thị trên địa bàn TP. Pleiku đều cố gắng duy trì ổn định giá các mặt hàng. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: “Chúng tôi đang cố gắng kìm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu đối với khách hàng. Chưa có mặt hàng nào tại siêu thị tăng giá dù gần đây chúng tôi cũng đã nhận được thông báo từ phía các nhà sản xuất là sắp tới giá cung cấp hàng hóa sẽ tăng. Nhưng khi nào nhà sản xuất tăng giá thì sẽ tính tiếp”.
Còn đối với người dân, thời điểm dịch bệnh làm ăn khó khăn, thu nhập có xu hướng giảm, trong khi mọi thứ đua nhau tăng giá thì “thắt lưng buộc bụng” có lẽ là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Anh Trần Đại (nhà số 404 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) thở dài: “Là người làm công ăn lương, mọi chi phí trong nhà đều phải tính toán căn ke mới đủ. Giờ cái gì cũng đội giá thì chỉ còn cách duy nhất là hạn chế những khoản chi tiêu chưa cần thiết chứ không còn cách nào”.
Tăng cường công tác quản lý
Lực lượng Quản lý Thị trường tăng cường kiểm soát giá cả các loại hàng hóa. Ảnh: Vũ Thảo |
Thực hiện Công điện số 960/CĐ-BCT ngày 1-3-2022 của Bộ Công thương, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã có công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và xung đột vũ trang tại Ukraine. Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-đánh giá: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động do xung đột vũ trang tại Ukraine, giá cả của một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả Công điện số 960/CĐ-BCT của Bộ Công thương, Cục QLTT tỉnh đã yêu cầu các đội QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát, phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt giá cả thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 để kịp thời kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng tại địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Ngoài ra, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai dán hơn 1.600 bản thông báo đường dây nóng ở tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng như các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh vật tư, thiết bị y tế. Khi có bất kỳ trường hợp nào đóng cửa, bán cao hơn giá niêm yết hoặc bán không đúng với thời gian đăng ký thì người dân sẽ gọi vào số đường dây nóng. Trên cơ sở đó, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
HÀ DUY - VŨ THẢO