Kinh tế

Chư Pah (Gia Lai): Tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng phòng hộ lớn của tỉnh Gia Lai do các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Ly, Đông Bắc Chư Pah, Bắc Biển Hồ và Dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa đảm trách việc trồng, chăm sóc các loại cây như: Thông 3 lá, sao đen… mục đích chính là phòng hộ đầu nguồn. Những năm qua, mỗi khi mùa khô về cháy rừng vẫn là nỗi lo lớn nhất của chủ rừng khi phần lớn diện tích rừng trồng nằm trên những triền đồi, xa nguồn nước, rất khó chữa lửa khi có cháy xảy ra.
Dọn thực bì. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đầu mùa khô 2011 đã xảy ra 1 vụ cháy thiêu rụi 92 ha rừng (trên 11 ha rừng phòng hộ, 80 ha rừng sản xuất) tại các khoảnh 1, 2, 3 và 4 thuộc tiểu khu 253 địa phận thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah). Dù lực lượng chức năng của tỉnh và huyện đã huy động trên 300 cán bộ chiến sĩ và người dân tích cực chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ nhưng vẫn không thể ngăn chặn được lửa thiêu rụi những khu rừng trồng đã 3-4 năm tuổi.
Hiện tại trên địa bàn huyện có 3.350 ha rừng của các BQLRPH đang nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao gồm: BQLRPH Bắc Biển Hồ có 758 ha rừng tự nhiên trạng thái IIb dễ cháy, tại các tiểu khu 205, 229, 248, 322… 1.705 ha rừng thông trồng từ năm 2002-2005; Đông Bắc Chư Pah 652 ha (chủ yếu thông 3 lá) tại 4 tiểu khu 197, 198, 199 và 204; Dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa 414 ha thông và sao đen; BQLRPH Ia Ly 1.380 ha thông… Phần lớn những diện tích rừng này được trồng từ năm 2002 đến năm 2005 đã qua thời kỳ kiến thiết cơ bản nên không còn vốn để đầu tư thực hiện các khâu lâm sinh, trong khi thực bì ngày càng lớn không được phát dọn thường xuyên, vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
Ông Trần Công Pháp- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah cho biết: Năm qua trên địa bàn huyện đã xuất hiện 2 vụ cháy rừng lớn gây thiệt hại hàng trăm ha rừng trồng của các BQLRPH Bắc Biển Hồ và Dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa khiến diện tích rừng không chỉ bị suy giảm mà còn thiệt hại về kinh tế. Nguyên nhân là do rừng trồng đã qua giai đoạn xây dựng cơ bản nên nguồn kinh phí không đủ thực hiện các khâu phát dọn thực bì, xây dựng hệ thống đường ranh cản lửa…
Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng như: Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, thành lập các tổ quản lý bảo vệ rừng túc trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm cháy.
Nguyễn Diệp
 

Có thể bạn quan tâm