Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chư Păh ngăn chặn hành vi chiếm đoạt quyền sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để chiếm đoạt quyền sử dụng đất. Theo đó, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Được bố mẹ cho mảnh đất 4,6 sào tại làng Xóa (xã Chư Đang Ya), năm 2004, vợ chồng ông Hưch làm thủ tục sang tên và tiến hành trồng cà phê. Năm 2014, vợ chồng ông vay mượn 60 triệu đồng để mua thêm đất mở rộng sản xuất. Đến năm 2016, hồ tiêu bị chết khiến gia đình ông thất thu. Để có tiền trả nợ, năm 2018, ông Hưch đã cho bà Vũ Thị Hằng (cùng làng) thuê 5 sào cà phê trong 10 năm với giá 100 triệu đồng. Theo thỏa thuận, ông Hưch đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Hằng giữ.
Ngày 12-1-2022, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh xuống xác minh, ông Hưch mới biết thửa đất của mình đã được làm thủ tục sang tên cho bà Hằng từ tháng 8-2020 và đang làm hợp đồng sang nhượng cho người khác. “Tôi quen biết bà Hằng từ lâu. Vì vậy, khi cho thuê đất, tôi đưa giấy tờ cho bà Hằng giữ mà không nghi ngờ. Đến khi cán bộ địa chính về làm việc, tìm hiểu lại mới biết khi chứng thực hợp đồng, bà Hằng đã nhờ bố mẹ vợ của tôi là ông Ký và bà H’Ngut ra lăn vân tay. Điều này vẫn thực hiện được là quá vô lý”-ông Hưch bức xúc.
Trường hợp khác là ông Don (cùng làng) cũng bất ngờ biết mình bị bà Hằng lừa mất đất. Ông kể, mình có thửa đất 972,6 m2 nằm ngay mặt tiền tuyến đường chính của xã, trong đó có 400 m2 đất ở. Do địa hình nhiều đá nên ông đào giếng không được, hàng ngày phải đi lấy nước giọt về sử dụng. Đầu năm 2020, bà Hằng ngỏ ý muốn ông hoán đổi mảnh đất của mình để lấy mảnh đất cách nhà hơn 2 km thuận tiện trong việc đào giếng. Sau khi thỏa thuận, bà Hằng xây 1 căn nhà cấp 4, đào giếng và đưa thêm cho ông 30 triệu đồng. Tháng 6-2020, ông chuyển về nhà mới ở và giao nhà cùng giấy tờ đất của mình cho bà Hằng. Tuy nhiên đến nay, ông vẫn chưa được bà Hằng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất được hoán đổi sang tên mình. Mới đây, cán bộ địa chính xã và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tìm đến nhà để xác minh thông tin, ông mới biết thửa đất đang ở đang thực hiện các bước chuyển nhượng QSDĐ cho người khác.
Một lô đất ở làng Xóa (xã Chư Đang Ya) được bà Vũ Thị Hằng thuê sau đó chuyển quyền sử dụng đất sang tên mình. Ảnh: Hồng Thương
Không riêng gì ông Hưch và ông Don, thời gian qua, trên địa bàn huyện Chư Păh đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tộc thiểu số bị lừa mất đất. Ông Hoàng Anh Tuệ-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện-cho biết: Trong tháng 1 và 2-2022, có 4 trường hợp là người dân tộc thiểu số bị bà Hằng thuê đất, hoán đổi đất sau đó tự ý sang nhượng cho người khác. Khi chúng tôi phối hợp với cán bộ địa chính xã xuống thẩm định các lô đất đang được bà Hằng giao dịch mới phát hiện và thông báo thì người dân mới tá hỏa.
“Sở dĩ chúng tôi nghi ngờ và thẩm định kỹ các lô đất của bà Hằng vì trong năm 2021, bà này nhiều lần đến thực hiện các giao dịch về chuyển QSDĐ và nhiều lô không chính chủ. Ngày 17-1-2022, bà Hằng tới Chi nhánh làm hợp đồng chuyển nhượng 5 lô đất đứng tên mình (làng Kó và làng Xóa của xã Chư Đang Ya) cho những người khác, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ địa chính xã kiểm tra, xác minh kỹ hơn. Kết quả, 4/5 lô đất mà bà Hằng đang chuyển nhượng đều được thuê hoặc hoán đổi với các hộ dân nhưng lại tự ý chuyển quyền sử dụng đất sang tên mình. Ngoài ra, bà Hằng còn làm giả 2 giấy chứng nhận QSDĐ để cầm cố. Xác định đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt đất đai của người khác, chúng tôi đã dừng không cho thực hiện các giao dịch và báo cáo Chủ tịch UBND huyện, Công an huyện để điều tra xử lý”-ông Tuệ nói.
Cũng theo ông Tuệ, trong năm 2021, huyện cũng đã phát hiện 4 trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số để thuê, hoán đổi đất, sau đó tự ý chuyển đổi QSDĐ. “Do vậy, đối với UBND cấp xã trước khi chứng thực hồ sơ sang nhượng đất đai liên quan đến người dân tộc thiểu số cần có một người hiểu biết để đọc lại hợp đồng cho người bán có đồng ý hay không nhằm tránh sai sót hoặc xảy ra các vấn đề không mong muốn khác”-ông Tuệ cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên cho hay: Ngay sau khi nhận được báo cáo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện liên quan đến 4 hộ dân bị bà Hằng thuê, hoán đổi đất để chiếm đoạt, UBND huyện đã chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra. “Để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, UBND huyện yêu cầu các địa phương khi chứng thực các nội dung liên quan đến đất đai cần xác minh kỹ, rõ ràng hồ sơ, đúng quy định. Đồng thời, vận động người dân hạn chế mua bán, cho thuê bằng hình thức viết tay. Khi có nhu cầu vay vốn thì nên đến ngân hàng để đảm bảo an toàn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt dẫn đến mất đất. Riêng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và các xã cần nêu cao cảnh giác, hạn chế sai sót trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình”-ông Kiên nhấn mạnh.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm