Sức khỏe

Chư Păh: Nỗ lực vì sức khỏe người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực không làm nản lòng đội ngũ y-bác sĩ huyện Chư Pah khi họ đang nỗ lực từng ngày vì sức khỏe nhân dân huyện nhà.

Tập trung phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người

Những năm gần đây, khi thời tiết diễn biến thất thường, một số bệnh truyền nhiễm ở người như chân tay miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… có nguy cơ lây lan tạo thành dịch lớn, ngành Y tế huyện Chư Pah đã tích cực triển khai các biện pháp phòng-chống dịch và đạt được những kết quả khả quan.

 

Khi đến khám bệnh, bệnh nhân được cấp phát số và giải đáp thắc mắc. Ảnh: N.T

Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Chư Pah cho thấy, từ đầu năm đến nay, huyện Chư Pah ghi nhận 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp mắc chân tay miệng, 47 trường hợp mắc thủy đậu, 124 trường hợp mắc cúm… So với cùng kỳ năm 2016, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm ở người tại Chư Pah giảm mạnh. Đáng chú ý, khi sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm với hàng trăm lượt người mắc khiến nhiều địa phương khác của tỉnh phải dồn nhân lực vào dập các ổ dịch thì tại Chư Pah, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm mạnh (15/155 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016).

Theo bác sĩ Đinh Nhật Giao-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, để có được kết quả khả quan đó, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền huyện là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y tế ở Chư Pah. Ngay từ đầu năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Chư Pah đã xây dựng các kế hoạch dự phòng về bệnh tật trên địa bàn để tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người để cùng chung tay phòng-chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời báo cáo nếu có tình huống bất thường để có phương án chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, treo băng rôn và phát thông điệp về các loại bệnh truyền nhiễm trên hệ thống loa truyền thanh cách phòng trừ bệnh tật để người dân tự phòng tránh.

Đối với các bệnh có nguy cơ lây lan bùng phát thành dịch lớn như sốt xuất huyết, chân tay miệng…, khi phát hiện trường hợp mắc, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo Trạm Y tế cùng phối hợp hệ thống chính quyền cơ sở tập trung xử lý. Theo đó, cán bộ y tế sẽ trực tiếp cùng với người dân dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh thôn xóm để phòng trừ nguồn lây lan mầm bệnh.

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Cũng theo bác sĩ Đinh Nhật Giao, hướng tới mục tiêu vì sự hài lòng của bệnh nhân cùng người nhà khi đến khám và điều trị bệnh tại các Trạm Y tế và Trung tâm Y tế huyện, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Y tế huyện Chư Pah đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Trung tâm Y tế huyện đã được đầu tư thêm nhiều máy móc, trang-thiết bị hiện đại như: máy siêu âm 3D, máy thở, máy sốc tim, máy điện tim 3 cần… giúp cho công tác chữa bệnh đạt hiệu quả cao hơn, giúp giảm chi phí đi lại cho người bệnh. Trung tâm cũng tập trung cải tạo hệ thống máy móc, phần mềm quản lý bằng công nghệ thông tin nhằm giảm các thủ tục hành chính; bố trí nhân viên kiểm soát việc phát số thứ tự khám-chữa bệnh; bố trí nhân viên hướng dẫn tại vị trí chờ và giải đáp thắc mắc của người nhà và bệnh nhân. Cán bộ, y-bác sĩ thường xuyên tự học tập nâng cao y đức lẫn chuyên môn.

Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện Chư Pah tăng cường triển khai mô hình bệnh viện xanh-sạch-đẹp. Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, trụ sở của Trung tâm Y tế huyện Chư Pah và nhiều Trạm Y tế xã đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng để tạo cảnh quan tươi mới, đội ngũ y tế ở Chư Pah đã tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên.

Từ nỗ lực của tập thể đội ngũ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pah, qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Chư Pah ghi nhận hơn 30 ngàn lượt người khám-chữa bệnh, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm