Bạn đọc

Chư Pah và Ia Grai: Hàng ngàn hộ dân nợ đọng cước viễn thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Sau nhiều lần phân công người trực tiếp đi tới tận từng nhà thu tiền cước dịch vụ điện thoại không thành, chúng tôi nhờ cán bộ địa phương hỗ trợ. Tuy vậy, việc thu tiền cước dịch vụ vẫn chưa mấy hiệu quả. Tính đến nay, hàng ngàn hộ dân ở 2 huyện Chư Pah và Ia Grai (Gia Lai) vẫn còn nợ đọng cước viễn thông gần 2 tỷ đồng. Số tiền này đang có nguy cơ không đòi được…”- ông Lê Văn Lễ- Giám đốc Trung tâm Viễn thông 7, thuộc VNPT Gia Lai, cho biết.
Ảnh minh họa
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân nợ đọng cước dịch vụ viễn thông. Nguyên nhân chính yếu vẫn là do mùa màng thất bát, người dân nghèo khó có khả năng thanh toán. Nguyên nhân nữa là do chất lượng phục vụ các dịch vụ của điện thoại bàn (máy cố định, thuê bao trả sau) của VNPT không mấy thuận lợi, không phù hợp với mức thu nhập của người dân và giá cước viễn thông có phần không tương xứng với chất lượng phục vụ thực tế.
Thể hiện rõ nhất là mỗi khi máy bị hư hỏng, khách hàng gọi báo, thậm chí trực tiếp đến tận trụ sở trình báo sự việc vẫn chậm được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp, sửa chữa… Ông Nguyễn Tấn Hùng, ở thôn 2, xã Hòa Phú kể: “Năm 2010, nghe lời những người đi tiếp thị và các tờ quảng cáo là miễn phí 100% cước hòa mạng, tưng bừng khuyến mãi nhân các ngày lễ, sinh nhật, con trai tôi là Nguyễn Tấn Vũ đã lấy họ tên của tôi hợp đồng 1 máy điện thoại bàn. Máy lắp đặt được vài ngày thì bị hỏng. Gọi điện báo nhưng cả tuần vẫn không có người nào đến sửa chữa nên tôi dẹp bỏ luôn. Thế mà khi thanh toán, họ báo giá cước tới hơn 300 ngàn đồng. Chưa kịp trả tiền, Công an xã đã giao “Giấy triệu tập” của Tòa án Nhân dân huyện Chư Pah, làm như tôi là tội phạm không bằng...”.
Đành rằng, chiếu theo những nội dung trong hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên, khách hàng sử dụng điện thoại phải trả cước dịch vụ là điều tất nhiên. Tuy vậy, có quá nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa chỉ nợ vài chục ngàn đồng, thậm chí vài ngàn đồng và thời hiệu khởi kiện về việc đòi nợ của bên viễn thông còn rất ngắn, thậm chí đã hết. Thêm vào đó, với cung cách mà đơn vị viễn thông này đã và đang kết hợp với các cơ quan khác để tổ chức đi “đòi nợ” thì quả là rất khó thuyết phục được lòng dân, rất khó thu hồi được nợ đọng.
Tình trạng các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa nợ tiền cước điện thoại cũng đang là vấn đề “nóng” trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng cao phía Bắc. Thiết nghĩ, trước khi xử lý vụ việc, Trung tâm Viễn thông 7 nên tham khảo ý kiến chỉ đạo của Viễn thông Gia Lai và lãnh đạo VNPT.
Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm