TN - Đất & Người

Chư Pơng: Diện mạo mới sau 10 năm thành lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2005, theo Quyết định số 17/CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) được thành lập trên cơ sở 7 làng và 7 tổ tự quản tách ra từ xã Ia Tiêm. Ít ai biết rằng, sau khi chia tách và thành lập, xã Chư Pơng vẫn là vùng khó khăn, đói nghèo nhất.
 

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Chư Pơng. Ảnh: Đức Thụy

Thời điểm đó, Chư Pơng với diện tích 3.940 ha mà chỉ có 2.872 khẩu với hơn 700 hộ (trong đó có 75% người dân tộc thiểu số), kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tổng thu nhập được quy đổi 380 kg lúa/năm, tỷ lệ đói nghèo còn trên 50%; có một chi bộ với 18 đảng viên; kiến trúc hạ tầng không có, nhà ở tư nhân chủ yếu là nhà tôn ván, nhà tạm, phương tiện đi lại, nghe nhìn chưa phát triển; trình độ dân trí thấp, cả xã chỉ có một trường học 3 cấp và cũng chưa có cơ sở khám-chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân; chỉ có 3/7 làng có điện lưới quốc gia, giao thông đi lại khó khăn, chưa có đường kiên cố đến trung tâm xã… Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã càng đoàn kết kề vai sát cánh, quyết tâm xây dựng quê hương mới nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và ngày một phát triển.

Trải qua 10 năm thành lập và xây dựng (16-2-2005 _ 16-2-2015, đến nay xã Chư Pơng đã trở thành một xã đầy tiềm năng đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt và xây dựng kiến thiết của nhân dân. Về dân số đến nay có 990 hộ với gần 4.500 khẩu gấp 1,5 lần so với năm 2005. Từ một xã thuần nông đến nay tiểu thủ công nghiệp-thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 10%, giá trị sản xuất đến cuối năm 2014  đạt 63 tỷ đồng tăng 10 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân qua các năm từ 10% đến 12%; thu nhập bình quân đầu người 15,5 triệu đồng/năm; tăng gấp 8 lần so với ngày mới thành lập.

Đến với xã Chư Pơng hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từ những rừng cà phê bạt ngàn trĩu quả và những trang trại hồ tiêu xanh ngút tầm mắt; diện tích cây công nghiệp trên địa bàn đã đạt 923 ha tăng hơn 3 lần so với năm 2005 góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển đáng kể và đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bình ổn giá cả thị trường ở địa phương; đã có 2 doanh nghiệp tư nhân và các cửa hàng, cửa hiệu và gần 50 hộ tham gia sản xuất-kinh doanh buôn bán trên các lĩnh vực.

Cơ sở hạ tầng của xã cũng thay đổi rõ rệt, các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế… được xây dựng kiên cố, khang trang; các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đảm bảo nhu cầu phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha cây trồng các loại. Hệ thống đường giao thông được nhựa hóa và mở rộng, 50% tuyến đường giao thông trên địa bàn đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa-nắng.

 

Ảnh: Đức Thụy

Khi mới thành lập, cả xã chỉ có một trường trung học cơ sở, đến nay đã xây dựng được 1 trường học 2 cấp với 701 học sinh, 1 trường mẫu giáo công lập với 217 cháu; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là 65 người, có trình độ từ chuẩn trở lên, chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước; hàng năm số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là con em dân tộc thiểu số dự thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp tương đối cao. Cuối năm 2014 cả xã có 540 gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 8/9 thôn, làng văn hóa…

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, xã đã chú trọng thực hiện các chính sách xã hội; trong 10 năm qua Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ đã tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ được trên 2,8 tỷ đồng và xây 3 nhà tình nghĩa, 10 nhà đại đoàn kết, 88 nhà 167, 122 nhà 134 và 83 nhà cho các gia đình chính sách; vào dịp các ngày lễ, Tết hàng năm xã cũng tổ chức gặp mặt tọa đàm và thăm, tặng quà các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn…

Mặc dù là xã còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh chính trị, đặc biệt là sau vụ việc năm 2001, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và sự giúp đỡ của các ngành chức năng cùng với tinh thần cảnh giác của nhân dân, xã đã làm thất bại tất cả các cuộc bạo động của các thế lực thù địch đem lại lòng tin cho nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững, quốc phòng-an ninh trên địa bàn ổn định hơn.

Đặc biệt, hệ thống chính trị của xã được kiện toàn củng cố, Đảng bộ xã hiện có 88 đảng viên, trong đó có 27 đảng viên người dân tộc thiểu số, với 13 chi bộ; hàng năm có 80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và khá. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng  phát triển cả về số lượng và chất lượng; phong trào hội viên, đoàn viên đã lan tỏa sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư và trở thành một mặt trận rộng lớn trong xã hội. Khi mới thành lập phong trào xây dựng và sinh hoạt của các tổ chức hội-đoàn thể chưa rõ nét, chỉ dừng lại ở một số hội viên có tinh thần và nòng cốt. Đến cuối năm 2014 mỗi thôn làng đều có hội-đoàn thể; cả xã có 1.790 hội viên, đoàn viên. Hoạt động của Mặt trận và đoàn thể gắn liền với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và truyền thống đoàn kết gắn bó của các dân tộc anh em trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở Chư Pơng nói riêng và huyện Chư Sê nói chung. Với những thành tích đó, UBND xã, các tổ chức chính trị xã hội đều được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, năm 2013 xã được UBND tỉnh Gia Lai tặng cờ thi đua xuất sắc và nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Những thành quả đạt được trong 10 năm qua đã tạo cho Chư Pơng một vị thế nhất định trong tổng thể phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Chư Sê.

Hoàng Minh Hùng
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã

Có thể bạn quan tâm